Chiều 21/6, UBND huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng có thông báo số 21 thu hồi thông báo số 20 sáng cùng ngày về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi nhắc lại (mũi 4).
Trong thông báo số 20, UBND huyện Mỹ Xuyên đã đưa ra quy định được cho là quá "gắt": nếu người dân trên địa bàn không chấp hành tiêm mũi 4 thì đề nghị UBND các xã, thị trấn không cho phép người chưa tiêm mũi 4 đi ra khỏi địa bàn nơi cư trú; không được tham gia các hoạt động công cộng; không giải quyết các thủ tục hành chính...
Trong thông báo số 21, huyện này đã bỏ những nội dung "3 không" nêu trên. Theo UBND huyện Mỹ Xuyên, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Theo Tổ chức Y tế thế giới, dịch đã xuất hiện nhiều biến chủng mới nguy hiểm hơn và khả năng bùng phát dịch trở lại là rất lớn.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, vaccine phòng Covid-19 chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian nhất định, vì thế việc tiêm vaccine mũi bổ sung hiện nay còn rất ít tác dụng đối với con người.
"Do đó, đề nghị tất cả các công dân trên địa bàn huyện trong diện được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi nhắc lại nhanh chóng tiêm ngừa để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng", UBND huyện Mỹ Xuyên kêu gọi.
Ông Đặng Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có trên 97.000 người thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 4 nhưng nhiều người chưa quan tâm, tỷ lệ tiêm còn quá thấp.
"Đến nay, chỉ mới có khoảng 15.000 người đã tiêm nên địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Chúng tôi phấn đấu từ nay đến cuối tháng sẽ hoàn thành tiêm cho những người thuộc đối tượng được tiêm", ông Phương cho hay.
Được biết, hiện nay nhiều địa phương ở Sóc Trăng đã tổ chức tiêm mũi 4 nhưng nhiều người vẫn ngần ngại, chưa đồng ý tiêm vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, rất cần sự tư vấn của các chuyên gia ngành y tế để người dân yên tâm, tự tin và chủ động tiêm mũi vaccine thứ 4.
Cà Mau: Nơi nào để vaccine phòng Covid-19 tồn đọng, hết hạn phải chịu trách nhiệm
Thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh này triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 từ ngày 26/4/2021, đến nay đã triển khai được 38 đợt tiêm, với số liều vaccine đã tiếp nhận là hơn 2,671 triệu liều.
Hiện còn tại kho trên 400.000 liều vaccine Pfizer tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 53.000 liều vaccine Pfizer tiêm cho người từ 5 đến 11 tuổi.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 có chiều hướng chậm lại, chưa đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
"Vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân có biểu hiện lơ là, chủ quan, không đồng ý tiêm vaccine. Nhiều người nghĩ tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại không cần thiết. Có thông tin cho rằng có tác dụng phụ, biến chứng khi tiêm liều bổ sung, nhắc lại đã gây ảnh hưởng đến công tác tiêm vaccine", UBND tỉnh Cà Mau nêu nguyên nhân.
Cà Mau cho rằng, để xảy ra các nguyên nhân trên là do cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở thiếu quan tâm vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ, nhận thức đúng về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng Covid-19.
Trước việc tiêm vaccine phòng Covid-19 có chiều hướng chậm lại, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm "Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất" và thực hiện "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân.
Trên tinh thần đó, các địa phương phải xây dựng kế hoạch mở đợt cao điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 cho đến hết tháng 6/2022, đảm bảo cho người từ 5 đến dưới 18 tuổi đủ liều cơ bản (2 mũi), người từ 18 tuổi trở lên đủ liều nhắc lại lần 1 và lần 2, không để sót người chưa được tiêm theo quy định.
Địa phương nào triển khai không nghiêm túc việc tiêm vaccine trên địa bàn, còn đối tượng tiêm (kể cả liều bổ sung, liều nhắc lại) nhưng để vaccine tồn đọng, hết hạn sử dụng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.