Sở Y tế Thái Bình nêu khó khăn trong đấu thầu, mua sắm vị thuốc cổ truyền

TRUNG DU| 13/09/2022 19:56

Thái Bình - Thời gian vừa qua, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai đấu thầu mua sắm 117 gói thầu cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, tổng giá trị mua sắm hơn 844 tỉ đồng.

Sở Y tế Thái Bình nêu khó khăn trong đấu thầu, mua sắm vị thuốc cổ truyền
Theo ghi nhận của PV Lao Động, tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư tại một số bệnh viện tại tỉnh Thái Bình khoảng 3 tháng trước đến nay cơ bản đã được giải quyết, tháo gỡ. Ảnh: T.D

Trong tổng số 117 gói thầu nói trên, có 44 gói thầu mua sắm hóa chất, với tổng giá trị mua sắm hơn 160 tỉ đồng; 31 gói thầu mua sắm vật tư y tế, với tổng giá trị mua sắm hơn 498 tỉ đồng và 42 gói thầu mua sắm thuốc, với tổng giá trị mua sắm hơn 185 tỉ đồng.

Nhiều danh mục đấu thầu có tỉ lệ trúng thầu thấp

Về kết quả của công tác đấu thầu mua sắm, theo Sở Y tế Thái Bình, các cơ sở y tế trong tỉnh đã hoàn thành việc tổ chức lựa chọn nhà thầu của 93 gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế. Trong đó, số gói thầu đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu để thực hiện việc cung ứng là 85 gói thầu; số gói thầu bị hủy thầu là 8 gói thầu (lý do hủy thầu bởi không có nhà thầu tham dự hoặc giá dự thầu của nhà thầu tham dự cao hơn giá kế hoạch của gói thầu).

Cũng theo Sở Y tế Thái Bình, trong số 85 gói thầu trúng thầu, tổng số danh mục mời thầu là 2.409 danh mục; với tổng giá trị trên 320 tỉ đồng. Số danh mục trúng thầu là 1.559 danh mục (chiếm tỉ lệ 64,7%), với tổng giá trị trúng thầu trên 218 tỉ đồng. Số danh mục không trúng thầu là 850 danh mục (chiếm tỉ lệ 35,3%), với tổng giá trị các mặt hàng không trúng thầu trên 102 tỉ đồng.

Một số gói thầu mua sắm tập trung có tỉ lệ trúng thầu thấp điển hình, cụ thể như: Gói thầu mua sắm tập trung thuốc cấp địa phương năm 2022 - đợt 2 (mua sắm với những danh mục không trúng thầu của đợt 1) có tới 34/55 (chiếm tỉ lệ 61,8%) danh mục không trúng thầu (trong đó 30/34 danh mục không có nhà thầu tham dự).

Gói thầu mua sắm tập trung hóa chất năm 2022 chỉ có 34/71 danh mục trúng thầu (chiếm tỉ lệ 47,9%); số danh mục không trúng thầu lên đến 37/71 danh mục (chiếm tỉ lệ 52,1%).

Gói thầu mua sắm hóa chất xét nghiệm vi sinh năm 2022 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, số danh mục trúng thầu chỉ có 11/82 danh mục mời thầu (chiếm tỉ lệ 13,4%); số danh mục không trúng thầu lên đến 71/82 (chiếm tỉ lệ 86,6%).

Gói thầu mua sắm vật tư y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình năm 2022, số danh mục trúng thầu chỉ đạt 33/129 danh mục mời thầu (chiếm tỉ lệ 25,6%); số danh mục không trúng thầu lên đến 96/129 (chiếm tỉ lệ 74,4%).

Gói thầu mua sắm vật tư y tế thuộc danh mục thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế của bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình năm 2022, số danh mục trúng thầu đạt 29/63 danh mục mời thầu (chiếm tỉ lệ 46,0%); số danh mục không trúng thầu là 34/63 (chiếm tỉ lệ 54,0%).

Gói thầu cung ứng thuốc Generic năm 2022 của Bệnh viện Nhi Thái Bình, số danh mục trúng thầu chỉ đạt 42/121 danh mục mời thầu (chiếm tỉ lệ 34,7%); số danh mục không trúng thầu là 79/121 (chiếm tỉ lệ 65,3%).

Gói thầu mua sắm vật tư y tế chuyên khoa Tim mạch và Chấn thương chỉnh hình năm 2022 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, số danh mục trúng thầu chỉ đạt 54/117 danh mục mời thầu (chiếm tỉ lệ 46,2%); số danh mục không trúng thầu là 63/117 (chiếm tỉ lệ 53,8%)...

Còn nhiều bất cập
Còn nhiều bất cập, khó khăn trong việc đấu thầu, cung ứng các vị thuốc cổ truyền. Ảnh minh họa.

Khó khăn trong việc cung ứng thuốc cổ truyền

Đặc biệt, với gói thầu cung ứng vị thuốc cổ truyền năm 2022 của Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình với 105 danh mục, giá trị hơn 9,4 tỉ đồng thì số danh mục trúng thầu là 96/105 (chiếm tỉ lệ 91,4%), với giá trị trúng thầu hơn 7,8 tỉ đồng.

Tuy nhiên, hiện tại gói thầu này nhà thầu không thể tiếp tục cung ứng cho Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình vì các vị thuốc cổ truyền trúng thầu chưa có giấy đăng ký lưu hành theo quy định của Thông tư số 38/2021/TT-BYT.

Diễn giải vấn đề này, Sở Y tế Thái Bình nêu thực trạng, tại Khoản 4, Điều 13 Thông tư số 38/2021/TT-BYT ngày 31.12.2021 của Bộ Y tế quy định: “Tài liệu chứng minh nguồn gốc đối với vị thuốc cổ truyền bao gồm tài liệu chứng minh nguồn gốc của dược liệu để sản xuất vị thuốc cổ truyền và giấy đăng ký lưu hành vị thuốc cổ truyền.”

Tiếp đó, tại Điểm a Khoản 5 Điều 26 Thông tư này cũng quy định: “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm chỉ sử dụng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng theo quy định tại Điều 13 Thông tư này và được cung cấp bởi các cơ sở kinh doanh đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược”.

"Trên thực tế, số lượng vị thuốc cổ truyền được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hạn chế dẫn đến tình trạng các cơ sở y tế tổ chức đấu thầu mua sắm theo quy định Thông tư số 31/2016/TT-BYT ngày 10.8.2016 của Bộ Y tế - đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết thực hiện hợp đồng với nhà thầu trúng thầu - nhưng không thể tiếp tục thực hiện mua sắm, sử dụng với các vị thuốc cổ truyền chưa có giấy đăng ký lưu hành. Trong đó, có cả trường hợp các đơn vị đã mua vị thuốc cổ truyền về bệnh viện trước thời điểm Thông tư số 38/2021/TT-BYT ngày 31.12.2021 của Bộ Y tế có hiệu lực, nhưng hiện tại cũng không thể tiếp tục sử dụng những vị thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành cho bệnh nhân", ông Nguyễn Quang Huy - Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Bình nêu khó khăn, vướng mắc.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/y-te/so-y-te-thai-binh-neu-kho-khan-trong-dau-thau-mua-sam-vi-thuoc-co-truyen-1092579.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/y-te/so-y-te-thai-binh-neu-kho-khan-trong-dau-thau-mua-sam-vi-thuoc-co-truyen-1092579.ldo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sở Y tế Thái Bình nêu khó khăn trong đấu thầu, mua sắm vị thuốc cổ truyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO