Đại biểu Lý Mộng Trinh - tổ đại biểu huyện Châu Thành và đại biểu Trần Thị Xuân Uyên - tổ đại biểu huyện Tân Hiệp nêu rõ, tại Phiên chất vấn Kỳ họp thứ XIII, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 229 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp, trong đó có nội dung Sở Y tế thực hiện chậm trễ trong tổ chức đấu thầu mua thuốc dẫn đến thiếu thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh; có giải pháp bổ sung thuốc chữa bệnh ngay không để người bệnh không có thuốc điều trị phải mua bên ngoài và thực hiện thanh toán lại phần thuốc người bệnh tự mua bên ngoài theo danh mục quy định của Bảo hiểm y tế (khi người bệnh có yêu cầu).
Tuy nhiên, từ thời điểm Hội đồng nhân dân tỉnh ra Nghị quyết đến nay, cử tri liên tục phản ảnh tình trạng thiếu thuốc điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh, người dân khám và điều trị bệnh phải mua thuốc bên ngoài. Cử tri mong muốn Sở Y tế làm rõ vấn đề này và nguyên nhân nào dẫn đến công tác đấu thầu thuốc lại tiếp tục chậm và diễn ra trong thời gian dài.
Về vấn đề này, ông Hà Văn Phúc Giám Đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết thuốc mà chúng ta đang sử dụng hiện nay để điều trị là trên 10.000 loại thuốc trong tất cả các cơ sở y tế. Chính số lượng lớn như thế nên việc đấu thầu hết sức khó khăn. Quy trình đấu thầu thuốc có sự tham gia của rất nhiều ngành và phải trình phê duyệt nhiều công đoạn, nếu thực hiện đúng hết các quy trình từ lúc bắt đầu khởi động đấu thầu cho đến có sản phẩm phê duyệt phải mất khoảng 1 năm.
Ông Phúc Khẳng định: “Từ năm 2019, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh trình phê duyệt thống nhất đấu thầu tập trung toàn tỉnh. Hiện nay chúng ta đang sử dụng gói thầu thuốc 2021-2023, số thuốc đang sử dụng trong thầu là 50% do vậy tổng thể trên địa bàn tỉnh là không có thiếu thuốc”.