Ngày 26.2, Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết vừa có văn bản gửi Bộ Y tế về vướng mắc trong thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế.
Theo đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Mắt đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức mua sắm trang thiết bị y tế là các loại thiết bị, vật tư cấy ghép.
Cụ thể, các loại vật tư cấy ghép là trang thiết bị y tế có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, nhiều công nghệ độc quyền. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa có quy định về bộ tiêu chí kỹ thuật chung đối với những mặt hằng này.
Do đó, các bệnh viện gặp khó khăn khi xây dựng danh mục, lựa chọn tiêu chí kỹ thuật vừa đảm bảo được tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng nhu cầu sử dụng vừa không làm hạn chế nhà thầu, các loại vật tư này mang tính chuyên biệt theo từng chuyên khoa và theo bộ. Khi xây dựng kế hoạch phải đầy đủ theo bộ, thiếu một loại vật tư cũng không thể thực hiện phẫu thuật được.
Tuy nhiên, khi tham khảo giá trúng thầu thì không có giá trúng thầu của bộ vật tư mà chỉ có giá trúng thầu từng bộ phận dẫn đến không lập được giá kế hoạch, nếu mua rời từng bộ phận thì khó khăn trong khi sử dụng vì các bộ phận không đồng bộ.
Hiện nay, chưa có bộ mã và tên vật tư, thiết bị y tế được chuẩn hóa và thống nhất sử dụng trong cả nước, vì thế khi tham khảo giá trúng thầu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia có tình trạng cùng một mặt hàng lại có nhiều tên khác nhau nên khó tra cứu, phải tìm kiếm nhiều lần, thông tin về quy cách kỹ thuật không đầy đủ…
Điều này dẫn đến việc tìm kiếm thông tin rất khó khăn, bỏ sót kết quả trúng thầu đã đăng tải, nhiều đơn vị đăng tải kết quả trúng thầu nhưng thông tin về quy cách kỹ thuật của mặt hàng trúng thầu không đầy đủ, chỉ ghi quy cách đóng gói. Vì vậy không đủ cơ sở để tham khảo giá trúng thầu.
Về việc lập giá kế hoạch gói thầu theo Thông tư 68/2022/TT-BTC ngày 11.11.2022 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 58/2016/TT-BTC ngày 29.3.2016, thì Giá gói thầu được xác định căn cứ tài liệu “Giá trúng thầu của gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 90 ngày" là rất khó thực hiện.
Thực tế hiện nay, các loại vật tư cấy ghép có rất ít đơn vị thực hiện mua sắm nên giá trúng thầu đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế rất ít, không đầy đủ mặt hàng, không đảm bảo thời gian “không quá 90 ngày”.
Mặt khác, việc tham khảo 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau cũng gặp nhiều khó khăn vì có một số loại hàng hóa chỉ có 1 nhà cung cấp thì chỉ có 1 báo giá hoặc các nhà cung cấp không cung cấp báo giá khi được đề nghị.
Ngoài ra, việc mua sắm đối với hóa chất, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được duy nhất loại hóa chất, linh kiện, phụ kiện thay thế mới và phải tương thích với trang thiết bị đang có thì chưa có hướng dẫn.
Việc mua sắm, sửa chữa đối với những trang thiết bị, hóa chất, linh kiện, phụ kiện… do nhà phân phối, cung cấp độc quyền chỉ có một báo giá tham khảo không thể áp dụng các quy định hiện hành để mua sắm.
Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia chưa hỗ trợ tìm kiếm kết quả trúng thầu của từng mặt hàng trong gói thầu mà phải tìm kiếm theo tên gói thầu do bên mời thầu đặt ra nên rất khó khăn khi tìm kiếm giá trúng thầu.