Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch lên tiếng việc nhiều di tích bị xâm hại

Bình Minh| 06/04/2022 09:56

Trước thực trạng nhiều di tích bị xâm hại, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng nhiều địa phương có xu hướng dễ "thỏa hiệp" mà quên bảo tồn, gìn giữ.

Như Dân trí đã phản ánh, Di tích Đền Nưa gồm Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên, ở thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), là một thắng cảnh nổi tiếng gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô năm 248. Tháng 3/2009, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công nhận địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gồm: Núi Nưa, Đền Nưa - Am Tiên là "Di tích lịch sử danh lam thắng cảnh cấp quốc gia".

Tuy nhiên, vào tháng 5/2021, dù chưa được cơ quan chức năng cho phép nhưng ông Lê Khắc Tam - người trông coi Đền Nưa đã tự ý hạ giải công trình nhà tiền đường làm bằng gỗ, thay thế bằng nhà mới với những hạng mục được bê tông hóa.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch lên tiếng việc nhiều di tích bị xâm hại - 1

Nhà tiền đường Đền Nưa bị phá bỏ, xây mới.

Không riêng gì Đền Nưa, trước đó, nhiều công trình di tích trên địa bàn Thanh Hóa cũng bị xâm hại trong quá trình trùng tu như: Nhà thờ dòng họ Lê Hữu (phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa); Chùa Bạch Tượng (xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn)…

Theo Sở VH-TT&DL Thanh Hóa, công tác đầu tư, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn còn không ít khó khăn, hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động, chặt chẽ trong việc quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích; thực hiện việc tu bổ, chống xuống cấp di tích không đúng quy trình theo quy định; hiện tượng tự ý trùng tu di tích vẫn còn xảy ra, đã làm ảnh hưởng đến việc gìn giữ yếu tố gốc và tính tâm linh của di tích, tạo dư luận không tốt, gây bức xúc trong nhân dân, du khách.

Nguyên nhân được Sở này đưa ra là do nhận thức về di sản văn hóa và việc bảo vệ vẫn chưa thực sự sâu sắc trong cộng đồng dân cư, thậm chí trong cả một số tổ chức, cá nhân được giao trông coi, bảo vệ di tích nên vẫn xảy ra tình trạng vi phạm, xâm hại di tích chưa được phát hiện kịp thời để ngăn chặn.

Xuất phát từ việc thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, trong quá trình thực hiện, vì nhiều lý do nên nhiều địa phương có xu hướng dễ "thỏa hiệp" với các đề xuất, kiến nghị của nhà tài trợ mà quên đi trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng di tích. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa nhưng không làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, để người dân tự ý thay đổi kết cấu di tích trái pháp luật, không bảo tồn được yếu tố gốc.

Ngoài ra, Sở VH-TT&DL Thanh Hóa cho rằng, hệ thống di tích của địa phương rất lớn, nhiều di tích xuống cấp, nguồn kinh phí tu bổ còn thấp so với nhu cầu thực tiễn nên hiện nay còn rất nhiều di tích xếp hạng xuống cấp nhưng chưa có kinh phí tu bổ, sửa chữa; đội ngũ chuyên gia và công nhân kỹ thuật có trình độ và tay nghề cao còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của việc bảo tồn di tích nên còn tình trạng vi phạm, kém chất lượng trong tu bổ…

Sở VH-TT&DL cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm trong quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; lợi dụng di sản văn hóa để trục lợi…

Đồng thời xử lý, kỷ luật nghiêm đối với tập thể, cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu đã để xảy ra sai phạm, vi phạm tại di tích và kiên quyết khắc phục sai phạm đảm bảo quy định của Luật di sản văn hóa.

Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 1.535 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Trong đó, các di tích đã được xếp hạng là 853 di tích gồm: Một di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia và 708 di tích cấp tỉnh.

Trong thời gian qua, đã có một số di tích cấp tỉnh bị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định hủy bỏ xếp hạng di tích lịch sử do trong quá trình trùng tu, tôn tạo đã vi phạm khiến di tích gốc bị "xóa sổ".

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch lên tiếng việc nhiều di tích bị xâm hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO