Số người nhiễm giun đũa chó, mèo tăng do nuốt phải trứng qua ăn uống

ANH ĐÀO| 15/11/2022 18:06

Các chuyên gia đưa ra cảnh báo trong những năm gần đây số lượng người nhiễm giun đũa chó, mèo đang có xu hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính là do nuốt phải các trứng giun đũa khi ăn uống.

20191003_042855_265589_san-cho-co-lay-khon.max-1800x1800.jpg
Một biểu hiện nổi mẩn đỏ của người nhiễm giun đũa chó, mèo - Ảnh: Internet

Ngứa khắp người do giun đũa chó

Cách đây 1 tháng, bệnh nhân N.M.H. (42 tuổi, quận 12) đến một bệnh viện tại TP.HCM thăm khám trong tình trạng ngứa toàn thân, nổi mẩn đỏ kèm sưng phù ở tay và chân.

12 năm trước, anh từng nhiễm giun đũa chó nên lần này nghi tái nhiễm, bác sĩ nhận định nổi sẩn phù dày đặc ở tay và chân, ngứa nhiều… như triệu chứng đặc trưng của nổi mề đay và nhiễm ký sinh trùng.

Ngoài ra, người bệnh từng nhiễm giun đũa chó nên được chỉ định xét nghiệm miễn dịch tìm giun đũa Toxocara canis. Kết quả phát hiện anh H. dương tính với giun đũa chó, tăng đường huyết, men gan, mỡ máu cao.

Bác sĩ giải thích việc anh H. ngứa, nổi sẩn phù có 2 nguyên nhân do men gan cao và nhiễm giun đũa chó. Khi giun đi vào cơ thể, chúng sẽ sinh sôi nhiều, phát triển thành ấu trùng theo máu chu du đến khắp các bộ phận trong cơ thể.

Khi cơ thể nhận thấy có sinh vật lạ xâm nhập, hệ thống miễn dịch sẽ tăng sản xuất bạch cầu ái toan để tiêu diệt các ký sinh trùng (trong đó có giun đũa chó).

Khi chiến đấu với giun đũa chó, các bạch cầu ái toan cùng với dưỡng bào vỡ ra và phóng thích histamin, dẫn đến phản ứng ngứa, dị ứng, phù mạch, sưng phù da và nổi ban đỏ da.

Giun trong cơ thể càng nhiều thì cơ thể phóng thích histamin nhiều hơn khiến người bệnh ngứa hơn. Anh H. được kê thuốc tẩy giun, thuốc chống dị ứng, điều trị hạ men gan và mỡ máu. Quá trình điều trị cần kéo dài nhiều tháng cho đến khi diệt hết giun trong cơ thể.

Bác sĩ Lê Thành Đồng, viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM, cho biết thời gian gần đây, viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân (ở mọi lứa tuổi) nhiễm các loại giun sán, ký sinh trùng hơn so với thời gian trước. Trong đó có nhiều người ở mức độ nặng, gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Đặc biệt trong những năm gần đây số trường hợp nhiễm giun đũa chó, mèo ngày càng tăng. Nguyên nhân chủ yếu do nuốt phải trứng giun đũa chó, mèo từ môi trường nhiễm vào đường tiêu hóa qua thức ăn và nước uống.

Bản thân người nhiễm giun sán không có biểu hiện rầm rộ, không ác tính, ít gây tử vong nhưng lại ảnh hưởng cả đời sống, tầm vóc người Việt Nam, màu da...

Dễ lây khi chơi đùa với chó

vong-doi-cua-giun-dua.jpeg
Chu kì vòng đời của giun đũa chó, mèo - Ảnh: BVCC

Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích - chuyên khoa da liễu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM - cho biết giun đũa chó tên khoa học Toxocara canis, thuộc họ giun tròn. Giun trưởng thành ký sinh trong ruột chó. Giun đẻ trứng và thải ra môi trường bên ngoài theo phân chó. Trứng phát triển trong môi trường đất từ 2 – 3 tuần và có thể sống đến 2 năm nhờ lớp vỏ dày.

Trứng giun bay dính vào thức ăn, rau sống, nguồn nước hoặc tay người chơi đùa với chó, đất cát rồi đưa lên miệng. Khi trứng lọt vào ruột người sẽ nở thành ấu trùng. Ấu trùng theo đường máu chu du đến các nội tạng: mắt, gan, phổi, não… và gây bệnh tại các vị trí này.

Bác sĩ Bích khuyến cáo người có nguy cơ bị nhiễm giun đũa chó do tiếp xúc với cún cưng không được tẩy giun định kỳ, ăn rau sống, uống nước lã chứa mầm bệnh, không rửa tay khi tiếp xúc với đất có giun.

Giun đũa phát triển âm thầm trong cơ thể người, quá trình ủ bệnh sẽ không có triệu chứng cho đến khi giun trưởng thành. Tùy vào số lượng giun và ấu trùng trong cơ thể mà người bệnh sẽ có các triệu chứng và mức độ khác nhau bao gồm: mệt mỏi, ngứa, nổi mề đay, khó thở, đau bụng, chán ăn, buồn nôn, khó ngủ, rối loạn hành vi, sốt cao…

Bệnh giun đũa chó gây ra biến chứng như: mệt mỏi, suy nhược, ngứa, khó thở, viêm phổi, tràn dịch màng phổi, nổi hạch, lá lách to, viêm cơ, viêm mô dưới da, viêm dạ dày, giãn cơ tim, đột tử, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Bích khuyên mọi người nếu thấy mình có nguy cơ cao bị nhiễm giun chó (có nuôi chó hoặc hàng xóm có nuôi chó, hay ăn thịt sống, rau sống…) nên phòng ngừa bệnh bằng các cách như: tẩy giun một năm 3-4 lần, tẩy giun và tiêm phòng cho thú cưng.

Để hạn chế nhiễm giun hoặc ký sinh trùng, mọi người cẩn thận khi ăn uống: rau sống phải rửa kỹ dưới vòi nước sạch, không ăn các món tái, gỏi, thịt nấu chưa chín, không cho trẻ đưa tay lên miệng, cần rửa tay trước và sau khi ăn, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Số người nhiễm giun đũa chó, mèo tăng do nuốt phải trứng qua ăn uống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO