Giáo sư Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, biến thể phụ BA.2 của Omicron chiếm ưu thế, có biểu hiện lâm sàng nhẹ. Đến nay, Việt Nam đã công bố 3 ca nhiễm biến thể phụ BA.5 tại Hà Nội.
Điều này hoàn toàn nằm trong dự báo do số ca mắc BA.5 bên ngoài Việt Nam tăng liên tục, tăng hàng tuần. Việc đi lại, giao thương mở cửa nên biến thể mới xâm nhập chỉ là vấn đề thời gian.
Bộ Y tế cũng khẳng định, hiện nay, BA.2 chiếm chủ yếu nhưng BA.5 có nguy cơ lấn át biến thể cũ. Số ca mắc biến thể mới này có thể tăng cao trong thời gian tới.
Giáo sư Phan Trọng Lân dẫn chứng, biến thể BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn BA.1, BA.2 từ 10-13%. Đồng thời, có khả năng thoát miễn dịch - nghĩa là người đã mắc BA.1, BA.2 có thể mắc BA.4, BA.5.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, vắc xin Covid-19 vẫn chứng tỏ hiệu quả với các biến thể mới của SARS-CoV-2. GS Phan Trọng Lân khẳng định, vắc xin giúp cơ thể có miễn dịch, giảm nguy cơ mắc, giảm nguy cơ trở nặng và tử vong khi nhiễm bệnh. Tiêm vắc xin mũi 3-4 sẽ củng cố và duy trì miễn dịch của cơ thể.
Theo GS Lân, bản chất của virus SARS-CoV-2 có sự tiến hóa khôn lường, trong phạm vi vừa phải sẽ xuất hiện các biến thể mới. Thậm chí, biến thể nhiều hơn nữa và trở thành biến chủng. “Nghĩa là SARS-CoV-3, 4 có thể xảy ra”, GS Phan Trọng Lân cảnh báo.
"Đối với kịch bản hiện nay, các biến thể còn khả năng đáp ứng của vắc xin, không nặng hơn, tiêm vắc xin đúng chỉ định, dù biến thể mới có lây lan nhanh hơn nhưng vẫn đáp ứng được”.
Mặc dù thế, Việt Nam vẫn phải chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu nhất: xuất hiện biến thể mới mà vắc xin không còn hiệu quả, lây lan nhanh, nặng, chẩn đoán khó khăn.
“Bên cạnh các biện pháp kinh nghiệm trong thời gian qua, biện pháp hành chính xã hội có thể sẽ phải thiết lập để bảo vệ tính mạng người dân trên hết và trước hết”, GS. Phan Trọng Lân dự báo.
TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân với tỉ lệ rất cao. Vắc xin hiện tại có hiệu quả đối với các biến thể BA.4 và BA.5. Đây là lý do Chính phủ Việt Nam vẫn khuyến cáo người dân nên tiêm các mũi nhắc lại, mũi tăng cường.
Theo Bộ Y tế, tính đến tháng 2/2022, các mũi tiêm cơ bản vắc xin Covid-19 trên cả nước gần như được phủ kín. Đến nay, sau 4 -6 tháng, miễn dịch với những người này đã giảm.
"Đặc biệt, người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, miễn dịch sẽ giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm mũi nhắc lại đúng lịch, đúng liều để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập", GS.TS. Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Ngày 2/7, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 4114/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước bối cảnh xuất hiện biến thể mới BA.5 của virus SARS-CoV-2 và đã xâm nhập vào Việt Nam, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương, quyết liệt hơn nữa việc đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vắc-xin Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên.