Hôm 25/7, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc tuyên bố có kế hoạch thiết lập một nhà tạm lánh cho những người đàn ông là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình và bạo hành tình dục. Đây là biện pháp đầu tiên được chính phủ Hàn Quốc thi hành để đối phó trước tình trạng số lượng nam giới chịu cảnh bạo hành tình dục và bạo lực gia đình đang gia tăng.
Theo nội dung bản kế hoạch được trình lên Tổng thống Yoon Suk-yeol, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc nhấn mạnh mục đích là để bảo vệ, hỗ trợ y tế và pháp lý cho nam giới là nạn nhân của các hành vi phạm tội gồm quấy rối tình dục công nghệ cao, bạo lực gia đình, bạo lực hẹn hò và đeo bám.
Nạn nhân của vấn nạn bạo hành tình dục là nam giới đang gia tăng. (Ảnh minh họa) |
Korea Times đưa tin, động thái trên được đưa ra sau khi số lượng nam giới chịu đựng những hình thức bạo lực như trên đang gia tăng trong những năm gần đây ở Hàn Quốc, nhưng lại chưa có bất cứ cơ sở tạm lánh nào để bảo vệ các nạn nhân.
Theo Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, vào năm 2021, đàn ông Hàn Quốc chiếm 17,2% trong tổng số người liên lạc tới Trung tâm Hoa hướng dương, cơ sở tạm lánh cho những nam giới bị bạo hành tình dục và bạo lực gia đình. Trước đó, vào năm 2020, tỷ lệ này là 11,5%.
Trong số nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục công nghệ cao, nam giới chiếm 23,3% trong tổng số vụ việc được báo cáo từ tháng 4/2018 – 12/2021.
Hiện Hàn Quốc có khoảng 100 trung tâm hỗ trợ và văn phòng tư vấn cho cả nam và nữ giới là nạn nhân của bạo hành tình dục và bạo lực gia đình.
Giống như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng ghi nhận số trường hợp nam giới bị bạo hành tình dục gia tăng.
Hồi tháng Sáu, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã lần đầu tiên triển khai cuộc điều tra tập trung vào đối tượng bé trai và đàn ông là nạn nhân của hành vi bạo hành tình dục.
Kyodo cho biết, theo các tổ chức hỗ trợ, ngoài việc nhận thức của xã hội chưa cao, nỗi xấu hổ và sợ hãi còn là nguyên nhân khiến nhiều nạn nhân là nam giới không dám nói ra trải nghiệm đau thương, hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ.
Cứ 3 năm/lần, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tiến hành cuộc khảo sát công khai với cả nam và nữ về vấn đề bạo lực mà họ từng trải qua. Tuy nhiên, những câu hỏi liên quan tới bạo hành tình dục vẫn bị giới hạn và cuộc điều tra cũng chưa tập trung vào các yếu tố cụ thể như chấn thương tâm lý với nam giới khi bị bạo hành tình dục.
Một cuộc khảo sát mới nhất được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 11 – 12/2020 và được công bố vào năm 2021 có sự tham gia của 1.635 nam giới. Kết quả, 1% tương đương 17 bé trai hoặc đàn ông cho biết họ từng bị ép buộc có hành vi tình dục. Đối tượng lạm dụng là những người gặp ở trường học, hoặc người lạ.
Ngoài ra, 12 người cho hay họ không tìm kiếm sự giúp đỡ với các lý do như “Tôi có thể vượt qua chuyện này bằng cách chịu đựng”, “Tôi nghĩ vẫn vô ích dù tìm sự hỗ trợ”, “Tôi không muốn những người khác biết chuyện”, và “Tôi không biết ai và nơi nào để xin lời khuyên giúp đỡ”.
Các trung tâm hỗ trợ trong đó một số cơ sở được chính quyền khu vực thành lập cho biết, họ muốn các nam nạn nhân chủ động tìm kiến sự giúp đỡ.
“Tôi không muốn họ (những nam nạn nhân) tự đổ lỗi cho mình. Không một ai biết phải làm gì khi bị tấn công tình dục bất ngờ”, một quan chức tại Trung tâm Hỗ trợ nạn nhân Fukuoka ở tỉnh Fukuoka chia sẻ.
Cho tới nay, nhận thức của xã hội về bạo lực tình dục vẫn chủ yếu tập trung vào nạn nhân là nữ giới. Do đó, có rất ít cơ sở hỗ trợ cho nạn nhân là nam giới, theo Phó Giáo sư Azusa Saito tại Đại học Mejiro ở Tokyo.
“Nhiều trường hợp đàn ông cho rằng liệu họ thực sự được lắng nghe. Chúng ta cần xóa bỏ định kiến về giới, và hiểu rõ hơn về tình trạng nạn nhân hóa nam giới thông qua các cuộc khảo sát không chỉ nhắm tới đối tượng là nữ giới mà cả nam giới”, bà Saito cho hay.
Như ở Trung Quốc, vấn đề bạo lực gia đình gần đây cũng khiến cư dân mạng nước này dậy sóng tranh cãi. Đáng nói, trong không ít trường hợp, nạn nhân lại là nam giới dù đây được xem là chuyện khá hiếm khi xảy ra ở Trung Quốc.
Chia sẻ với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), một luật sư tại công ty luật ở Quảng Châu nhận định vấn đề nam giới bị bạo hành vẫn là “chuyện bí mật” ở Trung Quốc, do ảnh hưởng của khuôn mẫu xã hội về tình trạng bạo lực gia đình và giới tính.
Người dân Trung Quốc vẫn nhìn nhận việc chồng đánh vợ là vấn nạn bạo lực gia đình, trong khi vợ đánh chồng chỉ được xem là hành động phản kháng của phái yếu. Song theo các chuyên gia luật, nhận định này là hoàn toàn sai.
Theo Luật Chống Bạo lực Gia đình được Trung Quốc lần đầu tiên thi hành vào ngày 1/3/2016, bạo lực gia đình liên quan tới các hành vi xâm phạm thể chất và tinh thần giữa các thành viên trong gia đình ở dạng đánh đập, bắt trói, gây thương tích, hạn chế sự tự do cá nhân, thường xuyên có lời lẽ chửi bới và hăm dọa. Do đó, nếu như người vợ làm những việc như trên với người chồng, vụ việc phải được xem xét theo góc độ bạo hành gia đình.
Kể từ khi Luật Chống Bạo lực Gia đình được ban hành, nhiều khu vực trên lãnh thổ Trung Quốc đã cấp lệnh bảo vệ cho không ít nam giới là nạn nhân của vấn nạn bạo hành gia đình. Nhiều tỉnh và thành phố như Bắc Kinh và Cát Lâm đã lần đầu tiên cấp lệnh cấm cho nạn nhân của bạo hành gia đình là nam giới vào tháng 12/2016 và tháng 11/2019.
Theo báo cáo vào năm 2018 của Liên đoàn Phụ nữ Toàn Trung Quốc và Tổng Cục Thống kê Trung Quốc, 22,9% phụ nữ và 19,9% đàn ông từng trải qua bạo lực gia đình ở các cấp độ khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc gần 1/2 số nạn nhân chịu cảnh bạo lực gia đình ở Trung Quốc là nam giới.
Trước đó, vào năm 2012, Trung tâm Khoa học Y tế của Đại học Bắc Kinh đã cho công bố cuộc điều tra về bạo lực gia đình ở 7 tỉnh với 2.810 hộ gia đình. Kết quả cho thấy 26,1% phụ nữ tham gia khảo sát thừa nhận họ có hành vi bạo lực chống lại chồng, và 27,8% đàn ông thú nhận họ từng là nạn nhân bị bạo hành trong gia đình.
Minh Thu (lược dịch)