Liên quan đến thông tin bến xe phía Đông thành phố Ninh Bình được đầu tư số tiền 35 tỷ đồng nhưng đang "chết yểu", phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Ninh Bình.
Ông Nguyễn Duy Phong, Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng, Sở GTVT tỉnh Ninh Bình cho biết, dự án bến xe khách phía Đông thành phố Ninh Bình được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, do doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Sở chỉ quản lý về chuyên môn đối với bến xe.
"Trước khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng bến xe, dự án được khảo sát chặt chẽ. Xuất phát từ nhu cầu đi lại của người dân, vì thế địa điểm đặt bến xe tại đây là cần thiết. Bến xe được xây dựng cũng để giảm tải cho bến xe trung tâm thành phố Ninh Bình", ông Phong cho hay.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bến xe vắng xe và khách ra vào, đại diện Sở GTVT tỉnh Ninh Bình cho hay, là do xu hướng phát triển của ngành vận tải hành khách với sự ra đời của nhiều loại hình vận tải tư nhân khác nhau, nên có sự cạnh tranh.
"Thời điểm bến xe phía Đông thành phố được đầu tư xây dựng, nhu cầu đi lại của người dân rất cao, chủ yếu là bằng xe khách các tuyến cố định. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu đi lại giảm, người dân có thêm sự lựa chọn là các hãng xe limousine. Vì thế xe khách tuyến cố định giảm lượng lớn khách sử dụng", vị đại diện nói.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Trưởng phòng Vận tải Sở GTVT tỉnh Ninh Bình, Sở cũng thường xuyên quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các bến xe tư nhân trên địa bàn. Tuy nhiên, việc kinh doanh tốt hay không còn do doanh nghiệp vận hành bến xe.
Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Ninh Bình cho hay, bến xe tư nhân vận hành theo mô hình doanh nghiệp, tự hạch toán, lượng xe ra vào nhiều hay ít là chính sách kinh doanh, thu hút nhà xe và khách đến bến.
"Nhà xe nào họ thích vào bến nào là quyền của họ, Sở không thể chỉ đạo hay ép buộc xe nào phải vào bến này hay bến kia được. Bất cứ doanh nghiệp nào đăng ký luồng tuyến vào bến xe phía Đông thành phố, Sở đều tạo mọi điều kiện về thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, việc hoạt động được hay không còn phụ thuộc vào bến xe đầu bên kia có đồng ý hay không", vị lãnh đạo nói.
Lý giải về việc vì sao chưa di chuyển bến xe trung tâm ra khỏi thành phố Ninh Bình, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Ninh Bình cho hay, bến xe này thuộc Xí nghiệp bến xe khách Ninh Bình, trực thuộc Sở quản lý.
"Việc di dời bến xe này ra khỏi trung tâm thành phố đã được Bộ GTVT có chủ trương trước năm 2020. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 nên đến nay vẫn chưa di dời được. Theo lộ trình đến năm 2030 thì mới di dời xong", lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Ninh Bình cho biết thêm.
Trước đó, báo Dân trí có bài phản ánh, bến xe phía Đông thành phố Ninh Bình được đầu tư số tiền 35 tỷ đồng. Sau 5 năm đi vào hoạt động, bến xe khách loại 1, khang trang hiện đại nhất tỉnh Ninh Bình vắng xe và khách ra vào. Mỗi ngày doanh thu của cả bến xe chỉ được 170.000 đồng với 2 lốt xe chạy đi tỉnh ngoài.