Sơ cứu trẻ bị bỏng ra sao để vết thương không trở nặng?

Ngọc Hân| 19/05/2022 09:35

Trẻ em vốn hiếu động, tò mò khám phá thế giới xung quanh. Cũng vì vậy, trẻ thường bị bỏng do nước sôi, lửa, điện hay hóa chất khiến nhiều hệ lụy xảy ra.

Người lớn bất cẩn, trẻ nhỏ nhận hậu quả 

Ngày 16/5, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận 2 bệnh nhi được chuyển đến trong tình trạng bỏng nặng.

Trường hợp thứ nhất là em bé 7 tháng tuổi, ở huyện Quảng Hòa, Cao Bằng ngã vào lửa khi đang chơi. Bé được chẩn đoán bỏng độ 2-3, diện tích khoảng 40%.

tre-bi-bong.jpg
Một em bé bị bỏng đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Cao Bằng, Ảnh: BVCC.

Trường hợp thứ hai là em bé 26 tháng tuổi, ở huyện Hà Quảng, Cao Bằng bị bỏng do ngã vào chậu nước sôi. Bé được chẩn đoán bỏng độ 3-4, ở đầu, mặt, cổ, ngực và hai cánh tay. Diện tích bỏng khoảng 60%.

Cả hai bé được khám, điều trị cần thiết và đã được hỗ trợ ban đầu để chuyển tuyến. Tuy nhiên, gia đình hai bé đều thuộc diện hộ nghèo, không đủ chi phí để trang trải điều trị.

Với tình trạng của hai bé cần phải điều trị lâu dài, chi phí rất lớn vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Hiện bệnh viện đang vận động các mạnh thường quân đề có kinh phí điều trị cho hai bé.

Cả hai trường hợp bệnh nhi trên là bài học cho nhiều ông bố bà mẹ đang có con nhỏ trong việc chăm sóc, theo dõi cũng như bảo vệ con trước những tai nạn bất ngờ xảy ra.

Theo ThS.BS CKII Phùng Công Sáng, Bệnh viện Nhi Trung ương, bỏng là tổn thương cấp tính của cơ thể gây nên bởi nhiệt, hóa chất, dòng điện, bức xạ.

Da trẻ em mỏng, liên kết giữa các lớp lỏng lẻo hơn người lớn, nên bỏng thường nặng và sâu. Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, hệ miễn dịch còn yếu nên nguy cơ nhiễm trùng vùng bỏng cao, nguy cơ sốc bỏng cũng cao hơn, dù diện tích bị bỏng nhỏ.

img_6746-2.jpg
Một trẻ bị bỏng nặng ở chân. Ảnh: BVCC.

Sơ cứu trẻ bị bỏng đúng cách

Theo bác sĩ Sáng, nguyên nhân gây bỏng cho trẻ em là rất nhiều, trong đó có sự bất cẩn của người lớn trong việc chăm sóc trẻ. 

Khi trẻ bị bỏng không chỉ để lại di chứng nặng nề mà còn ảnh hưởng đến tâm lý bé sau này, cũng như tốn kém về công sức chăm sóc, kinh tế của gia đình. Vì vậy, việc sơ cứu ban đầu tại nhà khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng để hạn chế vết thương nặng hơn.

Bác sĩ Sáng khuyến cáo, khi trẻ bị bỏng người lớn phải bình tĩnh, nhanh chóng cách ly trẻ khỏi nguyên nhân gây bỏng.

Đối với trẻ bị bỏng điện: Nhanh chóng tách nạn nhân với nguồn điện (ngắt cầu dao, dùng gậy gỗ gạt dòng điện cao) và đưa đến nơi thoáng mát. Nếu trẻ bị ngã, cần có phương án chống đỡ phía dưới để tránh tình trạng chấn thương nặng thêm.

Gia đình cần tiến hành đánh giá hô hấp tuần hoàn, ý thức trẻ và tìm xem các chấn thương khác nếu có ngã kèm theo, để tìm cách sơ cứu cho đúng, tránh làm tổn thương cột sống cổ hoặc các chi (nếu có) bị nặng thêm.

Nếu trẻ ngừng tuần hoàn thì tiến hành ép tim ngoài lồng ngực đúng cách đồng thời gọi y tế hỗ trợ. Gia đình chỉ nên di chuyển người bệnh đến cơ sở y tế khi trẻ đã được sơ cấp cứu ban đầu.

img_6749-1536x1536.jpg
Do da trẻ em mỏng, liên kết giữa các lớp lỏng lẻo hơn người lớn, nên bỏng thường nặng và sâu. Ảnh: BVCC.

Đối với trẻ bị bỏng hóa chất: Rửa ngay vùng bị bỏng, rửa liên tục bằng nước sạch càng nhiều càng tốt. Tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy, nếu không các tổ chức ở vùng bỏng sẽ bị tổn thương nặng hơn.

Nếu trẻ bỏng mắt do hóa chất cần được rửa mắt bằng cách ngụp mặt vào chậu nước, giúp trẻ chớp mắt liên tục cho hoá chất trôi ra hết.

Phải nhanh chóng tháo bỏ ngay quần áo bị dính hóa chất. Khi tháo phải lưu ý bảo vệ tay của người làm động tác đó (không dùng tay trần để tháo). Không cởi quần áo người bị bỏng rất dễ gây lột da, tốt nhất là nên xé bỏ quần áo dính hoá chất.

Nếu vết bỏng chảy nhiều máu, sau khi rửa sạch dưới vòi nước nên băng vết thương lại. Lưu ý không băng chặt và phải dùng bông, gạc sạch.

Sau khi sơ cứu xong, cần chuyển ngay nạn nhân tới trung tâm y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Đối với trẻ bỏng lửa, nước sôi, cháo, các loại nước có tạp chất như: phở, lẩu...
: Ngay khi trẻ bị bỏng cần ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) vào trong nước sạch, mát. Nhiệt độ nước tốt nhất là từ 16 đến 20 độ C và tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng.

Nếu trẻ bị bỏng vùng mặt cần dùng khăn ướt mềm đắp vào mặt. Nếu diện bỏng rộng cần chú ý giữ ấm cho trẻ ở những phần không bị bỏng. Việc này có tác dụng giảm độ sâu của bỏng và làm giảm cảm giác đau đớn cho trẻ. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có điều trị bỏng để được điều trị kịp thời.

bong-dien-13.png
Theo các bác sĩ, việc sơ cứu ban đầu khi trẻ bị bỏng rất quan trọng. Ảnh: BVCC.

Phòng tránh trẻ bị bỏng ra sao?

Để phòng tránh tai nạn bỏng hiệu quả và hạn chế những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, bác sĩ Sáng khuyến cáo:

- Cha mẹ không nên cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện…

- Thức ăn, thức uống nóng, các vật dễ cháy nổ như xăng, dầu, cồn, diêm quẹt…phải để nơi an toàn và trẻ không thể với tới được.

- Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống nhằm tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra.

- Không để chung thuốc uống với những thuốc khử khuẩn, dùng ngoài.

- Khi trông trẻ, người lớn cần có sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên.

- Đối với những trẻ đã nhận thức được, cha mẹ cần trang bị cho bé những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân.

- Ngoài ra, gia đình cũng nên học kỹ thuật sơ cứu với một số tai nạn thương tích thường gặp để có thể sơ cứu ban đầu đúng cách trong những trường hợp không may mắc phải, nhằm hạn chế tổn thương cho trẻ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sơ cứu trẻ bị bỏng ra sao để vết thương không trở nặng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO