Liên tiếp ghi nhận ca tử vong
Theo thống kê từ Bộ Y tế, ngày 20- 21.8, liên tiếp ghi nhận mỗi ngày 1 ca tử vong tại Hà Nội. Ngày 22.8, ghi nhận 1 ca tử vong tại Quảng Ninh. Ngày 24.8 ghi nhận 2 ca tử vong tại Tây Ninh. Ngày 25.8, ghi nhận 2 ca tử vong tại: Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Tây Ninh (1). Ngày 27.8, ghi nhận 1 ca tử vong tại Ninh Bình. Ngày 28.8, tiếp tục ghi nhận 1 ca tử vong tại Hà Nội. Ngày 29.8, ghi nhận 1 ca tử vong tại Hải Dương.
Như vậy, chỉ trong khoảng 10 ngày qua, hầu như ngày nào cũng ghi nhận F0 tử vong vì COVID-19. Theo các chuyên gia, đây là thông tin rất đáng lo ngại, bên cạnh số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng cao trở lại và sự xuất hiện của các biến chủng mới.
Với những biến chủng mới hiện nay, Bộ Y tế đã có đề nghị các bệnh viện phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Viện Pasteur… theo dõi biến thể, biến chủng đối với bệnh nhân nặng và tử vong.
Trong khi đó, qua báo cáo của BV Chợ Rẫy, BV TƯ Huế, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ nhận thấy, bệnh nhân nhiễm COVID-19 có xu hướng tăng, đặc biệt bệnh nhân nặng tăng lên rõ rệt. Đáng lo ngại hơn, hiện các trường hợp nặng và tử vong chưa tiêm vaccine chiếm tỉ lệ 23-25% ở các tuyến; tại BV Chợ Rẫy, tỉ lệ tử vong do không tiêm vaccine là 50%.
Được xem là một thành tựu y học vĩ đại của nhân loại, kể từ khi ra đời, vaccine được xem như một loại "vũ khí" sắc bén, hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, vai trò của vaccine càng được đề cao.
Thế nhưng hiện nay, nhiều người dân "lười" tiêm vaccine COVID-19 do chủ quan, e ngại, thậm chí nghi ngờ khả năng bảo vệ của vaccine trước biến chủng mới. Nhiều phụ huynh do dự về việc tiêm vaccine COVID-19 cho con vì họ cho rằng vaccine được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên chưa được nghiên cứu kĩ về hậu tiêm.
Vaccine COVID-19 vẫn có tác dụng bảo vệ, ngay cả với biến chủng mới
Theo PGS.TS Phạm Quang Thái- Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vaccine COVID-19 hiện có khả năng hạn chế trong việc phòng lây nhiễm đối với các chủng virus SARS-CoV-2 đột biến. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy những vaccine này vẫn phòng được thể nặng và nguy cơ nhập viện, cũng như phòng các triệu chứng hậu COVID-19.
“Những người được tiêm vaccine COVID-19 sẽ đáp ứng tốt hơn khi họ nhiễm virus và miễn dịch tạo ra cũng mạnh mẽ hơn nhiều so với người không tiêm. Từ đó sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng hạn chế khả năng lây nhiễm của virus. Đây chính là giá trị cốt lõi của vaccine và cũng là lý do tại sao vaccine COVID-19 phải được triển khai mạnh mẽ, dù chúng ta chưa có vaccine cập nhật biến chủng mới” - PGS.TS Phạm Quang Thái nhấn mạnh.
Ông Thái cũng cho rằng, việc hoàn thành đủ các mũi vaccine, ngoài tác dụng bảo vệ cho chính bản thân còn giúp hạn chế bớt khả năng lây nhiễm của người không may mắc bệnh sang cho người khác. Đây chính là nền tảng cho miễn dịch cộng đồng và nếu tất cả các nước đều thực hiện tốt việc tiêm vaccine thì có lẽ dịch bệnh sẽ được khống chế sớm hơn.
Các chuyên gia khuyến cáo, để có một mùa tựu trường an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, phụ huynh nên cho con em đi tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế.