Số ca mắc tay chân miệng ở trẻ em tăng cao tại Cần Thơ, Sóc Trăng

HỒ THẢO| 29/05/2022 17:43

Theo thống kê, số ca mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang tăng cao tại Cần Thơ và Sóc Trăng. Các bậc phụ huynh có con nhỏ cần quan tâm phòng bệnh cho trẻ.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 340 ca mắc tay chân miệng ở trẻ em, giảm 46,7% so cùng kỳ năm 2021, có 28 ổ dịch, giảm 71% so cùng kỳ năm 2021. Các địa phương có số ca mắc cao gồm TX. Ngã Năm, huyện Mỹ Tú, TP. Sóc Trăng. Tuy nhiên bệnh có dấu hiệu tăng đột ngột 1 đến 2 tuần nay, số trẻ được đưa đến khám tại các bệnh viện nhiều hơn.

Chị Sơn Thị Na (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) có con đang điều trị bệnh cho biết: Ban đầu, cháu bé có biểu hiện nóng sốt, không chịu uống sữa, uể oải khi ngủ. Người nhà cho uống thuốc nhưng không hạ sốt nên đem vào bệnh viện, bác sĩ nói mới biết bé bệnh tay chân miệng.

BS CKII - Hồng Tuấn Hòa - Bệnh viện Chuyên Khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng cho biết, người nhà khi theo dõi  trẻ em có những triệu chứng như sốt cao liên tục, ngủ giật mình chới với, tay chân run, đi đứng loạng choạng, thở nhanh, tiêu chảy hoặc biểu hiện bất thường khác đó là những dấu hiệu diễn biến nặng của bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất dù lúc nửa đêm.

“Con đường lây lan bệnh tay chân miệng chủ yếu qua đường tiêu hóa, lây rất nhanh. Nhất là tại các nhà trẻ mẫu giáo, trẻ tập trung, có nguy cơ thành ổ dịch, vì vậy, cần vệ sinh sạch sẽ những chỗ trẻ em vui chơi, để hạn chế sự lây lan của bệnh” - bác sĩ Hòa cho biết thêm.

 
Các ca mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang tăng cao tại  Cần Thơ, Sóc Trăng.

Trong khi đó tại Cần Thơ, trong 3 tháng 3, 4 và 5.2022, BV Nhi đồng TP. Cần Thơ tiếp nhận gần 1.000 trẻ mắc tay chân miệng, tăng đột biến vào tháng 5, với gần 100 trẻ nhập viện.

Chị Trương Kim Chi (huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) cho biết, chị có hai con bị bệnh đang điều trị, lúc đầu thấy con sốt nghĩ là bệnh thường đến khi bé nổi nhiều bóng nước ở tay mới phát hiện bệnh. Nhờ đến bệnh viện có các bác sĩ theo dõi kịp thời nên tình trạng sức khỏe các cháu đã ổn.

"Bé lớn bị bệnh trước do không phát hiện kịp để hai đứa ăn chung, chơi chung nên bé lớn lây cho bé nhỏ" - chị Chi nói.

Theo BS CKII Trương Cẩm Trinh - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ, những dấu hiệu nhận biết sớm trẻ mắc tay chân miệng gồm: Các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, trong miệng và đôi khi xuất hiện ở mông, đầu gối của trẻ.

Một trong những biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc tay chân miệng là tình trạng loét miệng, thường ở vùng hầu họng (gần lưỡi gà), niêm mạc má, môi hoặc lưỡi.

Loét miệng khiến trẻ đau rát, không chịu ăn uống, bỏ bú và thường chảy nước miếng liên tục.

Một số trẻ bị sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37 - 38 độ C. Những trẻ sốt cao trên 39 độ C liên tục là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ bị tay chân miệng nghiêm trọng cần nhập viện để điều trị tốt hơn.

BS CKII Trương Cẩm Trinh cho biết, trẻ đã mắc tay chân miệng vẫn có thể mắc bệnh nhiều lần.

Khi trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ dẫn đến các biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp, nặng hơn là viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nguy cơ dẫn đến tử vong.

Vì vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay BV nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh hoặc thấy trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục không hạ sau khi đã tích cực hạ sốt; giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần; run chi (thấy rõ khi đưa đồ chơi cho trẻ cầm), yếu chi, đi đứng loạn choạng; đảo mắt bất thường; trẻ nôn ói nhiều, quấy khóc (dỗ không nín); co giật; thở mệt.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Số ca mắc tay chân miệng ở trẻ em tăng cao tại Cần Thơ, Sóc Trăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO