Trung bình mỗi ngày, Khoa Đột quỵ tiếp nhận khoảng 5 trường hợp nhập viện, đa số diễn tiến nặng. Tuổi trung bình của các bệnh nhân khoảng trên dưới 66 tuổi, tỷ lệ nam giới cao hơn nữ (có thể liên quan đến lối sống thiếu khoa học như thuốc lá, bia rượu,… của nhiều nam giới).
TS Đức cho biết, đột quỵ não có 2 thể là chảy máu (do vỡ thành mạch máu) và nhồi máu (do hình thành cục máu đông gây tắc mạch). Trên thế giới, tỷ lệ đột quỵ thể nhồi máu não chiếm đa số (85%), nhưng tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong ở thể chảy máu não lại cao hơn đáng kể so với nhồi máu não.
Phân tích về lý do lượng bệnh nhân đột quỵ nặng nhập viện có xu hướng tăng thời gian gần đây, TS Đức cho hay, một trong những yếu tố khách quan thúc đẩy chính là điều kiện thời tiết lạnh.
"Về bản chất thì thời tiết lạnh không phải là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, bằng chứng là tỷ lệ đột quỵ ở các nước xứ lạnh cũng tương đương với các nước vùng nhiệt đới. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm lạnh đột ngột lại làm tăng nguy cơ đột quỵ não", TS Đức nói.
Trong thực tế, nhiều bệnh nhân khởi phát đột quỵ sau khi đi vệ sinh ban đêm, sau khi rời nhà tắm, khi mở cửa ra ngoài lúc sáng sớm thời tiết lạnh,… Các tình huống này khiến cơ thể nhiễm lạnh đột ngột, phải tăng cường các cơ chế sinh lý giúp giữ ấm. Cụ thể, tim sẽ đập nhanh hơn, mạch máu co lại, huyết áp tăng, xuất hiện run cơ... Các rối loạn sinh học đó làm bệnh nhân dễ bùng phát cơn đột quỵ.
“Càng những người cao tuổi thì khả năng điều hòa của hệ thống thần kinh thực vật càng kém hơn so với người trẻ. Bên cạnh đó, những người có sẵn yếu tố nguy cơ, đặc biệt là tăng huyết áp, nếu nhiễm lạnh đột ngột, huyết áp cũng sẽ tăng vọt khó kiểm soát”, TS Đức nhấn mạnh.
TS Đặng Phúc Đức, Phó Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103 thăm khám cho một bệnh nhân đột quỵ, mất khả năng ngôn ngữ - Ảnh: N.Liên |
Ngoài vấn đề thời tiết lạnh giá, đại dịch Covid-19 cũng tác động tiêu cực đến việc kiểm soát các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu... do bệnh nhân hạn chế đi khám.
Bên cạnh đó, Tết Âm lịch gắn liền với sự mất cân bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt trong đại bộ phận người dân cũng là yếu tố thúc đẩy nguy cơ đột quỵ. Chế độ ăn dịp Tết với quá nhiều calo, chất béo, đồ ăn ngọt, sử dụng nhiều bia rượu, thuốc lá,… làm gia tăng rối loạn chuyển hóa và đột quỵ.
Theo TS Đức, bia rượu đã được biết đến như một yếu tố nguy cơ liên quan đến đột quỵ não từ lâu. Uống bia rượu, đặc biệt là uống với lượng lớn gây tổn thương gan, xơ gan, dẫn tới rối loạn chức năng đông máu, tổn thương thành mạch máu, rối loạn đường huyết, rối loạn lipid máu.
Về tác động trực tiếp, ngay sau khi uống bia rượu với lượng lớn, hệ thống tim mạch sẽ bị kích thích làm tăng huyết áp. Từ đó, gây vỡ thành mạch máu, đột quỵ chảy máu não. Những bệnh nhân bị đột quỵ chảy máu não sau uống bia rượu thì mức độ chảy máu thường ồ ạt, nặng nề hơn.
TS Đức nhấn mạnh, thời tiết lạnh cộng với những yếu tố nguy cơ nói trên càng làm tăng nguy cơ đột quỵ, khiến số bệnh nhân nặng gia tăng trong thời gian qua.
Mùa lạnh, người dân, đặc biệt là người cao tuổi cần chú ý trước khi thay đổi môi trường, đặc biệt môi trường từ ấm sang lạnh, cần chuẩn bị kỹ và để cơ thể có thời gian thích nghi. Có thể áp dụng những biện pháp đơn giản như: đặt áo ấm cạnh giường ngủ để mặc ngay khi thức dậy, mặc đồ ấm trước khi ra khỏi phòng tắm, mặc ấm trước khi mở cửa ra ngoài trời lạnh... sẽ giúp bảo vệ cơ thể tránh nhiễm lạnh đột ngột.
Bên cạnh đó, cần tránh uống rượu bia và thuốc lá, chú ý giữ sinh hoạt điều độ. Dinh dưỡng hợp lý, hạn chế ăn quá nhiều các đồ ngọt, đồ ăn sẵn, mỡ động vật. Theo khuyến cáo của Hội đột quỵ Mỹ, mỗi người cần tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần. Với những bệnh nhân đã có yếu tố nguy cơ (như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, rối loạn đường huyết, đường máu...), cần tuân thủ hướng dẫn khám định kỳ.
"Đột quỵ não không phải là một tai nạn ngẫu nhiên, bệnh hoàn toàn có thể dự phòng nếu mọi người có nhận thức đúng, duy trì lối sống vệ sinh khoa học và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ", TS Đức nói.
Nguyễn Liên