Từ 20/03 – 02/04, Ban Cán sự Đoàn tại Liên bang Nga tổ chức triển lãm văn hoá “Tinh hoa văn hoá dân tộc” tại Học viện Hành chính công và Kinh tế Quốc dân trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga (RANEPA). Sự kiện được tổ chức chào mừng Tháng Thanh niên 2023, kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2023) và hưởng ứng chương trình “Tinh hoa Việt Nam” của Trung ương Đoàn phát động.
Sự kiện đã thu hút gần 2.500 lượt tham quan đến từ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, cộng đồng người Việt Nam, sinh viên Việt Nam và quốc tế đang học tập tại các cơ sở giáo dục tại Moscow, giảng viên Tiếng Việt, sinh viên học tiếng Việt và nghiên cứu về Việt Nam…
Cô gái Nga thích thú khi đội thử chiếc nón Việt Nam. Ảnh: Huỳnh Đức |
Lan toả giá trị văn hoá dân tộc
Triển lãm “Tinh hoa văn hoá dân tộc” giới thiệu tới khách tham quan một bức tranh tổng quát về đất nước, văn hoá, con người Việt Nam thông qua những bức ảnh đặc sắc về thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống, như hoa sen lụa do nghệ nhân Nguyễn Mai Hạnh - “Nữ hoàng hoa lụa đất Hà Thành” - thực hiện, chiếu cói làng nghề Nga Sơn (Thanh Hoá), ấm chén Bát Tràng, (Hà Nội), thổ cẩm Tây Bắc, chén gáo sơn mài mĩ nghệ dừa Bến Tre, guốc mộc Phú Văn (Bình Dương), trống Đọi Tam (Hà Nam).
Khách tham quan trải nghiệm in tranh Đông Hồ. Ảnh: |
Không chỉ tìm hiểu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sinh viên quốc tế còn được trải nghiệm nhiều hoạt động dân gian như in tranh Đông Hồ, đan quạt nan, xin chữ thư pháp. Đây là lần đầu trải nghiệm in tranh Đông Hồ được giới thiệu tại sự kiện do sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga tổ chức.
Bạn Lê Huỳnh Đức, Nghiên cứu sinh năm 2 tại RANEPA, Phó Ban tổ chức cho biết: “Năm 2022, Ban Cán sự Đoàn tại Liên bang Nga tham gia cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài” do Bộ Tư pháp và Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp tổ chức. Ban Cán sự Đoàn đã sử dụng tiền thưởng từ cuộc thi để mua hai ván khắc in tranh Đông Hồ (tranh “Bà Triệu cưỡi voi” và “Phú quý)”.
Bạn trẻ hào hứng với trải nghiệm xin chữ thư pháp. Ảnh: Huỳnh Đức |
Chia sẻ về lý do lựa chọn hai bức tranh Đông Hồ, Huỳnh Đức cho biết, Bà Triệu là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm. Bức tranh “Phú quý” thường được người chơi tranh lựa chọn để chơi trong dịp Tết cổ truyền, mong muốn cho con cái được hiển vinh và thành đạt trong cuộc sống.
Bên cạnh in tranh Đông Hồ, đan quạt nan Chàng Sơn cũng là một trải nghiệm thú vị. 250 chiếc quạt đã được đan chỉ trong ngày 25/03. Nan tre mỏng và mềm, nhưng khi được đan vào nhau sẽ tạo ra một chiếc quạt rất chắc chắn. Hình ảnh này mang tới bài học về sức mạnh đoàn kết. Lịch sử đã chứng minh, với tinh thần đoàn kết, dân tộc Việt Nam nhỏ bé đã vượt qua mọi khó khăn, giành nhiều thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
Bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga phụ trách về giáo dục, nhận xét: “Triển lãm “Tinh hoa văn hoá dân tộc” là hoạt động rất ý nghĩa, nhằm quảng bá đất nước, lịch sử, văn hoá và con người Việt Nam, giúp cho các bạn nước ngoài hiểu rõ hơn về đất nước của chúng ta, đồng thời gây dựng niềm tự hào dân tộc, quê hương trong các du học sinh Việt Nam đang học tập tại Liên bang Nga”.
Những trải nghiệm “đầu tiên” của bạn bè quốc tế
Giáo viên Nga thích thú lần đầu đan quạt nan. Ảnh: Huỳnh Đức |
Bạn Yohanna, du học sinh Philippines hiện đang theo học tại Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) rất hào hứng với không gian Việt Nam, đặc biệt trà Việt Nam. Dù đã thưởng thức trà của nhiều nước, nhưng Yohanna không khỏi ngạc nhiên khi lần đầu được thử trà Việt Nam. “Trà Việt Nam mang hương vị đậm đà. Trà có vị chát khi mới uống, về sau cảm thấy hậu vị ngọt, dư vị trà thơm”, Yohanna cho biết.
Sinh viên Philippines mong muốn một lần tới Việt Nam để trải nghiệm thêm nhiều hoạt động văn hoá và ngắm nhìn nhiều cảnh đẹp ở Việt Nam.
Triển lãm cũng mang tới cho bà Larisa Dmitrievna Taradina, Giám đốc Vụ Phát triển quốc tế của Học viện RANEPA, nhiều trải nghiệm “đầu tiên”. Lần đầu giảng viên Nga được giới thiệu về văn học hiện đại Việt Nam, về cuốn sách “Mắt biếc” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” của tác giả Rosie Nguyễn. Lần đầu bà Larisa Taradina được in tranh Đông Hồ, đan quạt nan, tìm hiểu về cách pha tra Việt Nam và thưởng thức bánh bao.
“Tôi đặc biệt hứng thú với các bức tranh “Đàn lợn âm dương”, “Vinh hoa”, “Phú quý” thể hiện ước muốn về cuộc sống đầy đủ, sung túc, giàu sang, thịnh vượng. Tôi sẽ treo tranh Đông hồ và đặt quạt nan trong Văn phòng của Vụ Phát triển quốc tế Học viện RANEPA”, bà Larisa Taradina chia sẻ.
Trải nghiệm đan quạt nan Chàng Sơn. Ảnh: Huỳnh Đức |
Giảng viên Nga cũng đặc biệt ấn tượng tiết mục múa “Ngàn năm thư pháp” do sinh viên Việt Nam biểu diện. Động tác chấm mực, vẽ nét chữ thư pháp thể hiện bằng ngôn ngữ múa uyển chuyển, đem lại cảm giác mới lạ cho khán giả.
Bà Larisa Taradina là người đồng hành, hỗ trợ sinh viên Việt Nam trong quá trình chuẩn bị tổ chức triển lãm. Bà đánh giá cao sự sáng tạo, trách nhiệm, linh hoạt, đoàn kết của sinh viên Việt Nam. “Sinh viên Việt Nam đã lan toả năng lượng tích cực tới Ban tổ chức của học viện RANEPA”, bà Larisa Taradina cho biết.
Với sức trẻ và sự sáng tạo, sinh viên Việt Nam tại Nga đã giới thiệu “tinh hoa văn hóa dân tộc” của dải hình chữ S, cũng như hơi thở mới của văn hóa hiện đại đã và đang làm nên hình ảnh một Việt Nam hội nhập và phát triển.