Buổi làm việc của bà Ngozi Okonjo Iweala nằm trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam ngắn ngày theo lời mời của Chính phủ Việt Nam.
Tại đây, một số giảng viên, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương (ĐH) đã chất vấn TS Ngozi Okonjo Iweala về vai trò của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đối với việc thúc đẩy khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng Việt Nam; các quy định trong Hiệp định thương mại tự do và tác động đối với các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển…
Chia sẻ với nhà trường, bà Ngozi Okonjo Iweala bày tỏ sự vui mừng khi được trò chuyện cùng giảng viên, sinh viên Việt Nam mà đại diện ở đây là Trường ĐH Ngoại thương.
"Đây là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi gặp gỡ các học giả hàng đầu cũng như các nhà lãnh đạo tương lai của đất nước này, nơi đang làm rất nhiều điều đúng đắn về việc sử dụng thương mại toàn cầu để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển", bà Ngozi Okonjo Iweala nói.
Với tư cách là Tổng giám đốc WTO, TS Ngozi Okonjo Iweala cho biết: "Từ năm 2021, trường đại học này đã là một phần của Chương trình WTO Chair của chúng tôi.
Một số giáo sư, tiến sĩ của nhà trường đã làm việc với chính phủ, khu vực tư nhân và các nhà nghiên cứu từ các quốc gia khác để định hình chương trình nghiên cứu và đào tạo.
Các khóa học của nhà trường dành cho các quan chức chính phủ và doanh nghiệp về các vấn đề như ưu đãi thương mại và điều hướng các rào cản kỹ thuật đối với thương mại và các vấn đề cạnh tranh, tạo nên sự khác biệt thiết thực cho sự tham gia của Việt Nam vào các diễn đàn chính sách thương mại và trên thị trường quốc tế".
Được biết từ cuối năm 2021, Trường Đại học Ngoại thương đã được WTO lựa chọn là một trong 17 cơ sở giáo dục đại học trên thế giới để thực hiện Chương trình WTO Chair giai đoạn 2022-2025.
Theo PGS. TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, các quy tắc của WTO đã sớm được nhà trường đưa vào giảng dạy trong nhiều môn học với mục đích cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế.
Thực tế sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp, đã có những đóng góp rất tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, cả từ góc độ tham gia xây dựng chính sách thương mại quốc tế, thực hiện các cam kết của Việt Nam trong WTO hay trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tới góc độ tư vấn và thực hiện các hoạt động thương mại quốc tế của doanh nghiệp.
Cũng trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra tọa đàm với chủ đề "Tái toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng toàn cầu".
Chủ đề của tọa đàm được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh thế giới đã bước vào kỷ nguyên tái toàn cầu hóa - giai đoạn chuyển tiếp toàn cầu hóa hiện nay để đối phó với các vấn đề như bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và khủng hoảng sức khỏe, với việc các công ty đang giảm sản xuất tập trung để đề phòng sự hỗn loạn của chuỗi cung ứng...