Trong khuôn khổ buổi nói chuyện với sinh viên, ông Vilsack đã trao đổi về tầm quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ đối với thế hệ lãnh đạo tương lai và tầm quan trọng của sáng tạo nông nghiệp- thương mại trong việc đảm bảo tương lai bền vững, thân thiện với môi trường và an ninh lương thực.
Bộ trưởng cho biết đây là lần thứ 3 ông đến Việt Nam và mỗi lần ông đều thán phục trước sự phát triển và sức sống mạnh mẽ của đất nước này.
Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ cho rằng, trụ cột hợp tác thương mại tạo cơ hội để giảm các hàng rào phi thuế quan nhằm hỗ trợ thương mại, nhất là những sản phẩm thông minh được tạo ra một cách bền vững.
Các quốc gia cần tăng cường quan hệ và kết nối quốc tế. Trong đó, thế hệ trẻ, những người đã tiếp cận với tri thức toàn cầu, là yếu tố đặc biệt cần thiết cho sự phát triển trong mọi lĩnh vực trên thế giới.
Tại chương trình, ba nữ sinh trẻ tài năng của Trường ĐH Ngoại thương với niềm đam mê lớn trong nghiên cứu và tạo ra doanh nghiệp xã hội liên quan chặt chẽ đến đổi mới nông nghiệp, thương mại, sáng kiến, dự án khởi nghiệp thông minh ứng phó với khí hậu đã chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cùng các đại biểu về những câu chuyện, dự án và hành trình theo đuổi đam mê.
Em Đỗ Thị Trang, sinh viên K58 chuyên ngành kinh tế đối ngoại đặt câu hỏi tới ngài Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ: "Trong thời điểm thế giới đang nhiều biến động, các lý thuyết kinh tế truyền thống trở nên lỗi thời và đôi khi không còn phù hợp để áp dụng cho các lĩnh vực kinh doanh mới.
Ông có thể đưa ra lời khuyên cho những sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường, những công ty khởi nghiệp, những dự án đang gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường? Làm thế nào chúng ta có thể giáo dục nhận thức của khách hàng về các sản phẩm bền vững"?
Trong câu hỏi đưa ra cho Bộ trưởng Vilsack, em Nguyễn Hương Giang, sinh viên K58, Chương trình tiên tiến kinh tế đối ngoại hợp tác giữa Trường ĐH Ngoại thương và ĐH Tổng hợp Colorado (Hoa Kỳ) băn khoăn: "Hiện tại Hoa Kỳ đã tham gia vào nhiều hoạt động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Các chính sách thương mại có thể có tác động đáng kể đến việc biến đổi khí hậu, ví dụ nạn phá rừng, xói mòn đất…
Ông có thể nêu bật một số sáng kiến chính sách liên quan đến thương mại thông minh với khí hậu mà các nước đang phát triển như Việt Nam có thể xem xét áp dụng"?
Trả lời chất vấn của sinh viên, Bộ trưởng Thomas J. Vilsack khẳng định, Hoa Kỳ cam kết chia sẻ thông tin và cách làm tốt nhất với Việt Nam để giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông nhắc đến sáng kiến mới của Hoa Kỳ mang tên đối tác nông nghiệp thông minh về khí hậu, một chương trình được thiết kế để tạo ra và tiếp thị những sản phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp bền vững..
Bộ trưởng Vilsack cho biết, sáng kiến nông lâm sản thông minh về khí hậu là chương trình mang tính khuyến khích và định hướng thị trường, để tạo ra các sản phẩm bằng phương pháp thông minh về khí hậu.
Theo đó, Hoa Kỳ sẽ giám sát, đo lường và thẩm định kết quả của những cách làm như vậy, chia sẻ những cách làm tốt nhất của nông dân Hoa Kỳ, đồng thời cũng học hỏi từ nông dân các nước khác.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, một số sinh viên Trường ĐH Ngoại thương đã mạnh dạn đặt nhiều câu hỏi xung quanh chủ đề phát triển bền vững, chính sách nông nghiệp của Hoa Kỳ, cùng các lời khuyên cho các bạn trẻ Việt Nam khi muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp,…
Ba sinh viên tài năng gồm: Đỗ Thị Trang - Sinh viên K58 chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Thành viên dự án Musa Pacta về sản xuất sợi chuối và các sản phẩm từ sợi chuối.
Dự án Musa Pacta đã đạt các giải thưởng: Top 7 toàn cầu của Social business creation, 2022; The Growth-Oriented Social Business, Hec Montreal University, Canada 2022; Giải 3 cuộc thi Hòa Lạc startup challenge, 2022.
Nguyễn Hương Giang - Sinh viên K58 - Chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại hợp tác đào tạo giữa Trường ĐH Ngoại thương và ĐH Tổng hợp Colorado (Hoa Kỳ) chia sẻ về đam mê trở thành một nhà kinh tế để xem xét các chính sách thương mại tác động đến doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia
Bùi Phương Anh - Sinh viên K60 chuyên ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế trình bày về "Nam Tural" - một dự án về tái chế rơm rạ được thực hiện bởi các sinh viên và cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội.
Các em đã tận dụng nguồn rơm rạ dồi dào đang bị lãng phí ở Việt Nam để tạo ra những sản phẩm mồi lửa thiên nhiên dễ bắt cháy, cháy bền và nhỏ gọn, dễ bảo quản, đồng thời tạo thêm sinh kế cho bà con nông dân và giảm thiểu ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ gây ra.