Muôn kiểu chống nóng
Thời tiết Hà Nội trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm dường như là "cơn ác mộng" đối với bất kỳ người dân nào. Và đối với nhiều sinh viên, "cơn ác mộng" này còn trở nên "khủng khiếp" hơn nữa khi nhiều người phải vật lộn với cái nóng trong những căn phòng chật hẹp, không điều hoà. Vì vậy, họ phải chật vật tìm ra những giải pháp làm giảm nhiệt độ phòng để có thể tiếp tục "chống chọi" với cái nóng "như thiêu như đốt" của Hà Nội.
Bạn Nguyễn Thị Châu Giang (20 tuổi, Hà Nội) cho biết, do giá phòng thuê tương đối rẻ nên không có điều hòa và mùa hè thực sự là một nỗi khiếp sợ với cá nhân Giang.
Giang chia sẻ: "Mình đi học về là khoảng 12h, ngoài đường như đổ lửa, về đến nhà thì như vào lò bát quái nên mình thường xuyên chi tiền ra những quán cà phê gần nhà để vừa học bài vừa tiết kiệm tiền điện, 35.000 đồng một cốc cà phê là ngồi được cả buổi". Tuy nhiên, mỗi tháng, Giang phải chi trả khoảng 400.000 - 500.000 tiền cà phê "điều hòa free". Số tiền này đã vượt ngưỡng chi tiêu cho phép của Giang trong 1 tháng.
Tuy nhiên, khi tài chính đã "cạn", Giang phải trở về với "lò bát quái" thì cuộc chiến giữa cô nữ sinh này và thời tiết mới thực sự bắt đầu. Giang cho biết: "Khi nào phải ôn bài thì mình đổ đá vào chậu nước rồi đặt trước quạt, sau đó quay quạt về hướng mình để hơi lạnh phả vào mặt…". Cách làm này trở nên không mấy hiệu quả bởi khi đá tan hết thì cũng là lúc cơn nóng quay trở lại và chi phí cũng không rẻ hơn tiền cà phê là mấy.
Khác với Châu Giang, bạn Phan Minh Ánh (20 tuổi, Hà Nội) lại giải bài toán "chống nóng" và "kinh tế" một cách hợp lý hơn rất nhiều. "Mình ''trốn'' nóng bằng cách đến các trung tâm thương mại để đọc bảng thành phần của một số sản phẩm mình quan tâm. Mình chỉ mất 5.000 đồng tiền gửi xe nhưng lại được ngồi điều hòa miễn phí…", Ánh nói.
Ngoài ra, Ánh cũng sử dụng những quán cà phê như một phương án "trốn nóng" thứ hai khi mà nữ sinh này phải kết hợp giữa việc ôn bài và tránh nóng. Bởi tại trung tâm thương mại, Ánh phải di chuyển liên tục chứ không có chỗ ngồi cố định. Điều này ảnh hưởng đến năng suất học tập và làm việc.
Ngoài ra, những cửa hàng tiện lợi cũng là một trong số những địa điểm "trốn nóng" ưa thích của nhiều người bởi nhiều cửa hàng cho phép mua hàng và sử dụng chỗ ngồi tại quán.
Lao đao vì giá điện, nước tăng cao
Lựa chọn ra đường khi nhiệt độ ngoài trời đang ở ngưỡng 40-500C là lựa chọn bất đắc dĩ của bất kỳ ai ở Hà Nội tại thời điểm này. Vì vậy việc ở nhà "chống nóng" được coi là phương án hữu hiệu nhất đối với những người không thích sự ồn ào từ những quán cà phê hoặc đơn giản là không muốn ra đường.
Bạn Vũ Quang Linh (19 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Mình ở nhà tránh nóng thì điều hòa bật 24/7 cũng vì vậy mà tiền điện mỗi tháng một lớn, tháng vừa rồi tiền điện của mình là khoảng 700.000 đồng/tháng".
Mùa hè là thời điểm Linh phải cắt xén tiền ăn và các một số chi tiêu khác để đủ tiền trả tiền "chống nóng". Là sinh viên sống xa quê nên tiền sinh hoạt phí của Linh phụ thuộc nhiều vào gia đình cũng bởi lý do đó mà Linh cảm thấy "xót" tiền vì phải đánh đổi để "tránh nóng".
Quang Linh luôn phải cân nhắc mỗi khi sử dụng điều hòa để làm sao không lãng phí mà vẫn “chống nóng” hiệu quả (Ảnh: Minh Toàn)
Khác với Quang Linh, bạn Lê Nguyễn Hoàng Kim (20 tuổi, Hà Nội) lại đang phải vật lộn với cái nóng ngay trong chính căn nhà đầy đủ tiện nghi của mình. Kim nói: "Vì điều hòa hỏng nên mình phải tắm 4-5 lượt một ngày để hạ nhiệt. Lúc không tắm thì 3,4 cái quạt chĩa thẳng vào người mới thấy dễ chịu".
Biết là càng dùng nhiều, số điện càng cao, chi phí phải chi trả sẽ càng đắt, tuy nhiên, nếu không làm như vậy thì có lẽ Kim hoặc Linh sẽ rất khó khăn để có thể chống chọi lại với cái nóng của Hà Nội.
Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều các thiết bị điện trong thời gian dài cũng có thể gây hiện tượng quá tải từ đó tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Thậm chí, nếu sử dụng điều hòa không đúng cách cũng có thể dẫn đến những hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe như: sốc nhiệt, viêm họng, viêm mũi…
Mùa hè thực sự trở thành "cơn ác mộng" đối với mỗi sinh viên thuê trọ. Họ vừa phải vật lộn với thời tiết "đổ lửa" vừa lao đao khi tiền điện, nước tăng phi mã.