Sinh đôi cùng huyết thống nhưng khác cấu trúc ADN

11/03/2021 09:10

Hà NộiAnh Tùng, 35 tuổi, thấy hai con song sinh của mình không giống nhau, cũng không giống bố, nên đưa các bé đi xét nghiệm ADN.

Anh Tùng làm thủy thủ, thường xuyên xa nhà. Nghi ngờ hai bé trai song sinh không phải là con ruột của mình, anh đưa con đến một trung tâm xét nghiệm ADN để xác nhận huyết thống. Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên giám đốc Trung tâm giám định ADN, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.

Mẫu xét nghiệm gồm một trong các thành phần như mẫu máu toàn phần, mẫu niêm mạc miệng, tóc có chân hoặc móng tay. Vài ngày sau, kết quả trả về cho thấy hai bé có quan hệ huyết thống với anh, nhưng cặp song sinh lại mang cấu trúc gene khác biệt hoàn toàn.

Câu chuyện xảy ra cách đây 16 năm, được đánh giá là ca sinh đôi khác trứng tự nhiên cực hiếm gặp. Giới chuyên môn gọi là hiện tượng "siêu thụ tinh", chỉ xảy ra với tỷ lệ một trong 13.000 trường hợp.

Đại tá Khanh lý giải: "Hai trứng của mẹ được thụ tinh bởi hai tinh trùng khác nhau của bố trong khoảng thời gian nhất định".

Nguyên nhân dẫn đến trường hợp này là do người vợ quan hệ nhiều lần với chồng trong thời gian sát nhau. Người vợ rụng 2 trứng (thông thường chỉ rụng một trứng), một trứng được thụ tinh trong lần quan hệ này, trong khi quả còn lại được thụ tinh trong lần tiếp theo.

Căn cứ vào việc tinh trùng chỉ sống sót 5-7 ngày nên các bác sĩ phỏng đoán những trường hợp thụ tinh này xảy ra trong khoảng dưới một tuần. Như vậy, người vợ có thể thụ thai sinh đôi khác trứng từ hai tinh trùng của chồng, dẫn đến hai con song sinh nhưng mang hai kiểu gene khác nhau.

"Điều này cũng có thể lý giải cho những trường hợp song sinh cùng mẹ nhưng khác cha rất hy hữu trong cuộc sống", ông Khanh nói.

Người phụ nữ quan hệ với hai hoặc nhiều đàn ông trong thời gian ngắn. Một trứng được thụ tinh với người đàn ông này, trong khi quả còn lại được thụ tinh với người đàn ông khác. Như vậy, người phụ nữ có thể thụ thai sinh đôi khác trứng từ tinh trùng của hai người đàn ông khác nhau.

Nguyên nhân thứ hai có thể xảy ra, đó là thụ thai bằng thụ tinh trong ống nghiệm IVF. Đại tá Khanh nhận định, những cặp sinh đôi khác kiểu gene hay sinh đôi cùng mẹ khác cha dường như xảy ra nhiều hơn so với những người thụ tinh tự nhiên. Để tăng tỷ lệ thành công, các bác sĩ thường đưa nhiều hơn một phôi vào tử cung người mẹ. Nhiều gia đình đề xuất lấy thêm một tinh trùng của người khác từ 'ngân hàng' để tạo thành phôi. Những phôi này cùng lúc được đưa vào tử cung người mẹ và phát triển thành thai nhi. Khi sinh, có thể một bé mang ADN của bố, một bé mang ADN của người hiến tặng.

Ảnh: Health

Đại tá Khanh chia sẻ, Việt Nam đã có những trường hợp song sinh khác trứng, khác tinh trùng, hai bé mang hai kiểu gene khác nhau. Vào năm 2016, một người đàn ông 34 tuổi ở Hòa Bình, do thấy hai người con gái song sinh của mình không hề giống nhau, và một bé không có ngoại hình giống bố nên đã nghi ngờ. Ông tới Trung tâm phân tích ADN và di truyền Hà Nội để kiểm tra. Kết quả, một trong hai bé không phải con ông.

Để loại trừ khả năng trao nhầm con trong bệnh viện, người mẹ cũng tới trung tâm làm xét nghiệm gene. Kết quả phân tích ADN khẳng định hai con là do một mẹ đẻ ra. Như vậy, hai bé gái dù song sinh, chào đời cách nhau vài tiếng, nhưng lại là con của hai ông bố khác nhau, mang hai kiểu gene khác nhau.

Trong năm 2014, tại Việt Nam, một trường hợp hy hữu trong sản khoa được ghi nhận là một người mẹ mang song thai nhưng hai đứa con chào đời cách nhau tới tận 29 ngày. Đó là chị Lù Thị Biên, 27 tuổi, dân tộc La Chí, thôn Bản Pắng, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ngày 4/5/2014, chị sinh một bé trai nặng 2,3 kg. 29 ngày sau, chị lại tiếp tục sinh thêm một bé gái.

Những trường hợp như trên chỉ có thể nhận biết được nhờ việc xét nghiệm ADN. Kết quả gene sẽ giải tỏa những hoài nghi huyết thống một cách khoa học và chính xác.

* Tên nhân vật được thay đổi

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sinh đôi cùng huyết thống nhưng khác cấu trúc ADN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO