Cuối năm 2018, chính phủ Singapore công bố kế hoạch 5 năm để chuyển dịch 70% hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) từ hạ tầng tại chỗ sang đám mây thương mại. Mục tiêu của kế hoạch là tăng tốc và cải thiện chất lượng dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp tại đây. Từ đó tới nay, Singapore đã chuyển gần 600 hệ thống lên mây và trên đà đạt chỉ tiêu vào năm tài chính 2023.
Một trong những lợi ích chính của đám mây là khả năng kết nối hệ sinh thái đối tác rộng lớn hơn, bao gồm người dùng, nhà phát triển với các cơ quan nhà nước. Tận dụng năng lực và dịch vụ đám mây của các hệ thống đám mây thương mại còn giúp chính phủ phát triển ứng dụng và dịch vụ cho người dân theo cách nhanh hơn, quy mô hơn, theo ông Kevin Ng, phụ trách công nghệ tại Cơ quan công nghệ chính phủ Singapore (GovTech).
Cơ quan nhà nước có thể tiếp cận hệ sinh thái toàn cầu các giải pháp hoàn chỉnh để bổ sung những tính năng nâng cao cho các dịch vụ kỹ thuật số của họ, thay vì tạo ra từ số không. Việc thử nghiệm và triển khai ứng dụng cũng được tự động hóa và thực hiện theo thời gian thực, tăng tốc độ cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho mọi đối tượng.
Dịch vụ công linh hoạt hơn khi “lên mây”
Mạng tương tác doanh thu nội địa (IRIN), hệ thống CNTT nền tảng của dịch vụ quản lý thuế và thu ngân sách Singapore, là một ví dụ cho thấy chuyển đổi sang đám mây thương mại có thể cải thiện tính linh hoạt của các dịch vụ công như thế nào.
Hàng năm, IRIN có khoảng 5 triệu pháp nhân và 2.000 cán bộ sử dụng. Hệ thống IRIN đang được nâng cấp để nâng cao trải nghiệm cho người đóng thuế và cán bộ phụ trách. Nó được lưu trữ trên đám mây thương mại thông qua hợp tác với GovTech, trong khi các công cụ DevOps được ứng dụng để tăng cường tự động hóa.
Những thay đổi quan trọng đối với hạ tầng của hệ thống bao gồm chuyển dịch từ kiến trúc nguyên khối hiện tại sang dịch vụ vi mô – triển khai các chức năng, dịch vụ độc lập thay vì như một bộ phận đơn lẻ - để có khả năng mở rộng, nhanh chóng và ổn định.
Khi hoàn thành, hệ thống mới giúp người đóng thuế hoàn thành các nghĩa vụ thuế chỉ trong thời gian ngắn. Quy trình khai thuế của các doanh nghiệp cũng được đơn giản hóa và tích hợp sâu hơn với hệ thống và phần mềm kế toán.
(Ảnh: Smartnation.gov.sg) |
Các hệ thống khác dự kiến được lưu trữ trên đám mây thương mại còn có IRIS của Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm, chương trình đồng hồ nước thông minh của Cơ quan quản lý nước quốc gia (PUB). IRIS loại bỏ yêu cầu phải gửi nội dung để phân loại của các công ty truyền thông, CNTT, đồng thời cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng hồ sơ cùng các tính năng khác.
Sau đó, PUB sẽ lắp đặt đồng hồ nước thông minh đầu tiên của Singapore vào năm 2021. PUB sẽ có thể đọc chỉ số sử dụng nước của hộ gia đình không dây và cung cấp cho các hộ gia đình thông tin sớm về điều chỉnh tiết kiệm nước thông qua cổng thông tin khách hàng.
Theo PUB, 300.000 đồng hồ nước thông minh đầu tiên của Singapore sẽ được lắp đặt từ đầu năm 2022, nằm trong kế hoạch số hóa hệ thống nước. Các đồng hồ này dùng công nghệ kỹ thuật số để kiểm soát lượng nước sử dụng và rò rỉ nước tại các hộ gia đình, tòa nhà thương mại, công nghiệp. PUB có thể đọc thông tin từ xa và đưa ra tư vấn cho các hộ gia đình về việc điều chỉnh sử dụng nước thông qua cổng khách hàng.
Đảm bảo an toàn cho dữ liệu trên điện toán đám mây
Để hỗ trợ sử dụng đám mây thương mại trong phát triển hệ thống CNTT chính phủ, GovTech sẽ tăng cường Singapore Government Tech Stack (SGTS). Đây là nền tảng tập trung cho phép triển khai nhanh chóng, hiệu quả các dịch vụ kỹ thuật số của chính phủ, cung cấp các dịch vụ, công cụ để cơ quan nhà nước dùng nhằm duy trì sự nhất quán và chất lượng ứng dụng.
Ông Bernard Tan, Giám đốc Dịch vụ cố vấn An ninh mạng tại GovTech, cho biết với tư cách nền tảng tập trung, SGTS sẽ bảo đảm các biện pháp bảo mật dữ liệu và an ninh mạng được tích hợp trong quá trình phát triển hệ thống CNTT. Điều này đặc biệt quan trọng khi dữ liệu của chính phủ và công dân lưu trữ trên hệ thống đám mây thương mại.
Ông chia sẻ, chính phủ áp dụng nguyên tắc đưa bảo mật vào trong mọi bước phát triển ứng dụng. Chuyển lên đám mây thương mại giúp các cơ quan tận dụng dịch vụ bảo mật tích hợp sẵn có của đám mây để cải thiện bảo mật, cũng như hiện đại hóa và bảo vệ việc triển khai ứng dụng, trong khi đạt được sự “đàn hồi” cao hơn thông qua các tính năng tự động mở rộng quy mô của đám mây.
Chẳng hạn, hệ thống eExam2 của Hội đồng đánh giá và kiểm tra Singapore (SEAB) là một dự án sử dụng SGTS, tự động điều chỉnh năng lực trong thời gian thi cử cao điểm. SEAB đã áp dụng các kỳ thi điện tử (e-exam) cho các kỳ thi nói tất cả các môn ngoại ngữ từ năm 2013, trong đó, video clip dùng để đánh giá kỹ năng nói của học sinh. Các bài thi viết trên máy tính cũng được dùng cho một số chủ đề.
Dù vậy, Singapore cần nỗ lực nhiều hơn để mang đến cơ hội cho khu vực tư nhân trong việc ủng hộ sáng kiến ưu tiên đám mây. Tính riêng năm 2020, nước này ký hợp đồng với 17 công ty trong cuộc đấu thầu để hỗ trợ các cơ quan nhà nước bắt tay vào các dự án tận dụng SGTS, kèm theo yêu cầu phải phát triển ứng dụng lưu trữ trên đám mây.
Lưu trữ dịch vụ và hệ thống chính phủ trên đám mây mang đến nhiều lợi ích so với phương thức lưu trữ tại chỗ hiện tại. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhắc đến điều này khi phát biểu tại sự kiện Stack 2018 do GovTech tổ chức. Thủ tướng nhấn mạnh lưu trữ hệ thống trên đám mây sẽ giảm đáng kể chi phí vận hành và cho phép các tổ chức “vận hành hệ thống 24/7”. Khi Singapore tiếp tục hành trình thực hiện mục tiêu trở thành Quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới, “câu hỏi đặt ra cho chính phủ không phải là có làm hay không, mà là tận dụng đám mây đến mức nào và vượt qua các vấn đề, giảm thiểu rủi ro ra sao”, ông Lý Hiển Long phát biểu.
Du Lam