Câu chuyện về chiếc Ferrari 488 bị nát đầu sau khi đâm vào gốc cây ở Hà Nội hôm 21/7 là một trong những chủ đề "nóng" thời gian gần đây.
Sau nhiều bài báo với phản hồi từ cả chủ xe và người gây tai nạn, thực sự sẽ rất khó để có hướng giải quyết triệt để. Tới này, người thiệt rõ ràng là chủ xe, bởi anh giao một phương tiện "lành lặn" cho kỹ sư và hãng, để rồi sau đó xe không còn nguyên vẹn.
Theo chia sẻ từ các bên thì Ferrari có nhờ xưởng tại Volvo Hà Nội để bảo dưỡng. Vì thế, người dùng Ferrari gửi vào đó là điều cũng không có gì lạ.
Khi có sự cố, Volvo Hà Nội nói ngoài cuộc và cho rằng kỹ thuật viên tự ý làm ngoài. Điều này thật bất hợp lý bởi các đơn vị chính hãng thường có quy trình nghiêm ngặt với xe ra-vào xưởng. Tùy nơi nhưng đa số cần có giấy ra cổng với con dấu của hành chính, kế toán, kỹ thuật...
Cần nhắc lại rằng đây là chiếc ô tô chứ không phải cái điện thoại mà bảo kỹ thuật viên có thể mang "chui" vào xưởng. Hơn nữa, Ferrari 488 được xem là mẫu siêu xe, nó mang màu đỏ nổi bật và chắc là không ai nhầm lẫn sản phẩm này với các mẫu ô tô mà Volvo đang kinh doanh?
Vì thế, Volvo Hà Nội nói kỹ thuật viên tự ý nhận xe vào làm riêng thì khá vô lý.
Cần nói thêm rằng Volvo được biết đến là thương hiệu xe sang đến từ Thụy Điển. Hãng nổi tiếng với những công nghệ an toàn, các trang bị bảo vệ cho hành khách trên xe và cả người đi đường khác. Nhưng từ câu chuyện siêu xe Ferrari 488 trên, liệu khách hàng có được bảo vệ, có được an toàn khi giao phương tiện của mình cho Volvo Hà Nội?
Đến nay, sau hơn một tuần xảy ra vụ tai nạn, vẫn chưa thấy bất kỳ lời xin lỗi chính thức nào từ phía Volvo Hà Nội hay Ferrari tới chủ xe và có thể sẽ không có chuyện ấy. "Quả bóng trách nhiệm" giờ được đẩy sang 2 kỹ thuật viên (là người của Volvo Hà Nội).
Như vậy, khách hàng ở Việt Nam cần đặt niềm tin đúng chỗ và tốt hơn hết là hãy tự trang bị kiến thức để bảo vệ chính mình. Dưới góc nhìn của một người sử dụng qua nhiều dòng ô tô của các thương hiệu khác nhau, tôi có một vài lưu ý cho người dùng, đặc biệt với những người mua xe lần đầu:
- Khi bàn giao xe, nên có biên bản giao nhận rõ ràng với đơn vị sửa chữa. Không nên giao xe thông qua điện thoại hay trao đổi miệng, kể cả với xe tai nạn, cần cứu hộ cẩu kéo...
Về quy trình, khi vào xưởng dịch vụ, chủ xe sẽ được cố vấn dịch vụ nhận xe, trao đổi về các hạng mục cần kiểm tra. Trường hợp xe tai nạn sẽ có thêm bên giám định tổn thất nếu xe có bảo hiểm.
Sau khi kiểm tra tình trạng xe, người dùng sẽ được cố vấn dịch vụ thông báo các hạng mục cần sửa chữa, mức phí thay thế…
Cuối cùng, chủ xe chốt lại các phần sẽ thay hoặc sửa với cố vấn dịch vụ để kỹ thuật viên kiểm tra xe. Tất cả quy trình này đều được thực hiện tại đại lý bảo dưỡng và có văn bản xác nhận.
- Người dùng nên tự tạo thói quen kiểm tra ở xưởng chính hãng của dòng xe đó. Nếu là cơ sở ngoài nên là điểm uy tín. Đối với bảo dưỡng, sẽ không thiếu trường hợp do tiện gần nhà mà chủ dùng xe hãng A qua hãng B bảo dưỡng.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, linh kiện sẽ không có sẵn, hoặc kỹ thuật viên sẽ không thông thạo xe như kỹ thuật viên của hãng đó. Vì thế chủ sử dụng nên kiểm tra tại đại lý của dòng xe đó để được chăm sóc tốt nhất.
Với trường hợp không có đại lý hoặc làm tại cơ sở ngoài cũng nên thực hiện quy trình giống như ở mục 1. Bởi gara ngoài hiện nay đa số cũng có quy trình tiếp đón, mở phiếu khá chuyên nghiệp. Ngoài ra, với gara ngoài nên tìm đến cơ sở đã quen biết hoặc chuyên sửa chữa dòng xe đó.
- Khi không may xảy ra sự cố, nên giữ nguyên hiện trường và lập tức thông báo cho các bên có liên quan (ghi âm cuộc gọi nếu có thể để có thêm căn cứ).
Người dùng nên liên hệ đối chất với tất cả các bên liên quan, gọi cơ quan chức năng tại vực để tiến hành lập biên bản sự việc. Tránh để tình trạng sự cố xảy ra, xe bị kéo khỏi hiện trường hoặc cương quyết không di chuyển xe ra khỏi đại lý có trách nghiệm chính.
Độc giảĐoàn Anh Dũng
Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Báo Dân trí.