Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự lễ xuất quân, cùng dự còn có lãnh đạo Bộ Quốc phòng, một số bộ ngành Trung ương, đại diện thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và đại sứ, đại diện một số nước tại Việt Nam...
Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam cho biết, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 có quân số chính thức 63 thành viên, sẽ thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 tại Phái bộ UNMISS, Nam Sudan.
Đội Công binh số 3 có quân số chính thức 184 thành viên, trong đó có 18 nữ quân nhân, sẽ thay thế Đội Công binh số 2 tại Phái bộ UNISFA, Khu vực Abyei.
Đến nay, 100% cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Đội Công binh số 3 an tâm tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ, hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Phát biểu tại lễ xuất quân, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, từ bao đời nay, hoà bình luôn là khát vọng thiết tha của toàn thể nhân loại. Trải qua những đau thương, mất mát của chiến tranh, hơn ai hết, Việt Nam hiểu rõ giá trị vô cùng quý báu của hòa bình.
Trước tình hình xung đột, bất ổn của thế giới, Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực và có trách nhiệm, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực vì hòa bình, ổn định và an ninh trên thế giới.
Động viên cán bộ, chiến sĩ của hai đơn vị trước khi lên đường, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao những kết quả đạt được khi Việt Nam tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc trong hơn 10 năm qua.
Đến nay, Việt Nam đã cử gần 900 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, trong đó có 13 sĩ quan Công an, 124 nữ sĩ quan tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc.
Đảng, Nhà nước luôn tin tưởng, tự hào và vinh danh những kết quả đã đạt được của các lực lượng tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc của Việt Nam, trong đó có các thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh.
"Các đồng chí chính là những "sứ giả hòa bình" tại Liên Hợp Quốc, góp phần tỏa sáng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới", Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch nước tin tưởng các đội hình đơn vị được triển khai đến địa bàn phái bộ sẽ tiếp nối truyền thống, kế thừa thành quả của lực lượng gìn giữ hòa bình đi trước; phát huy bản lĩnh, trí tuệ, năng lực trong thực hiện nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó, đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp Quốc, xứng đáng với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.
Để Việt Nam tham gia sâu rộng vào hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc, Phó Chủ tịch nước đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành tiếp tục nghiên cứu, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, trong đó có nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước hoàn thiện hành lang pháp lý về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; quan tâm chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ.
Từng bước mở rộng lực lượng, địa bàn, vị trí tham gia, phấn đấu tham gia các vị trí chỉ huy, quản lý tại Trụ sở Liên Hợp Quốc và những địa bàn phái bộ mà Việt Nam có thế mạnh; duy trì và nâng cao tỉ lệ nữ quân nhân.
Phó Chủ tịch nước cũng yêu cầu nâng cao chất lượng lực lượng, huấn luyện về mọi mặt, nhất là về chuyên môn, nghiệp vụ gìn giữ hòa bình, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kỹ năng sinh tồn; đảm bảo an ninh, an toàn ở mức cao nhất; phát huy tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc; hợp tác chặt chẽ với các lực lượng bạn để nâng cao hiệu quả công tác...
Trung tá Trần Anh Đức, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 bày tỏ niềm vinh dự, tự hào khi được tin tưởng lựa chọn, giao nhiệm vụ tham gia hoạt động GGHB.
Các quân nhân của hai đơn vị sẽ nỗ lực nâng cao trình độ mọi mặt; kế thừa, phát huy kinh nghiệm của những thế hệ đi trước; nêu cao tinh thần đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế; làm tốt công tác tuyên truyền để lan tỏa mạnh mẽ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam và phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới đến với bạn bè quốc tế.
Ngay sau đó, Phó Chủ tịch nước cùng các đại biểu đã ra đến tận chân máy bay tiễn đoàn. Máy bay siêu vận tải C17 của không quân Australia sẽ chở các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam lên đường.
Abyei là khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan. Năm 2011 hai nước ký thỏa thuận cam kết rút quân khỏi khu vực phi quân sự tại Abyei và thiết lập cơ chế hỗn hợp để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, đến nay hai nước chưa có nhiều tiến triển. UNISFA được thành lập năm 2011 theo Nghị quyết 1990 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với nhiệm vụ bảo vệ thường dân và thúc đẩy phi quân sự hóa tại Abyei. UNMISS được thành lập năm 2011 theo Nghị quyết số 1996 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với nhiệm vụ bảo đảm hòa bình, xây dựng sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế lâu dài cho Nam Sudan, cũng như hỗ trợ chính phủ nước này hạn chế xung đột và bảo vệ dân thường. |