Cùng với những nỗ lực của con người, hiện tượng thiên nhiên thủy triều vua được tạo ra bởi "Siêu trăng giun" đã góp phần vào cuộc giải cứu Ever Given.
"Kẹt vì gió, thoát nhờ trăng"
Khoảng cách gần giữa Mặt Trăng và Trái Đất là nguyên nhân tạo ra thủy triều vua bắt đầu từ tối 28/3 trên khắp Trái Đất. Do ở điểm gần Trái Đất nhất với khoảng cách 356.508 km, Mặt Trăng gây nên áp lực lớn lên các đại dương trên hành tinh, tạo ra những đợt thủy triều cao hơn bình thường. Hiện tượng đó được gọi là thủy triều vua.
Giới chức trách giải cứu tàu cho biết hoạt động của tuần trăng khiến mực nước thủy triều dâng cao đã nằm trong kế hoạch dự tính ban đầu.
Theo Peter Berdowski, Giám đốc điều hành Boskalis, công ty cứu hộ được thuê để giải cứu Ever Given, chiến lược giải cứu là sự tổng hợp giữa ba yếu tố là tàu kéo hạng nặng, máy nạo vét và thủy triều dâng.
"Siêu trăng giun" diễn ra tại Ai Cập hồi tháng 3/2020. Ảnh: Siwa Live. |
Theo Time and Date, lúc 20h48 tối 28/3 tại Ai Cập là thời điểm Mặt Trăng đạt độ tròn cao nhất. Điều này đồng nghĩa đây là thời điểm mực nước trong kênh Suez dâng cao nhất.
Sau khi Ever Given nổi trên mặt nước, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez cho biết thủy triều dâng cao hơn mức bình thường giúp con tàu di chuyển được hơn 20 m.
Không thể không nhắc đến những nỗ lực con người trong giải cứu Ever Given, đặc biệt là từ việc đội cứu hộ đã giải phóng được 27.000 mét khối đất cát bám chặt hai bên mạn tàu, độ sâu đào vét lên tới hơn 18 m. Ngoài ra, có 10 chiếc tàu tham gia vào chiến dịch giải cứu.
Tuy nhiên, phần mũi tàu vẫn bị kẹt, các đội cứu hộ đang nỗ lực hết sức để giải phóng phần mũi tàu. "Kéo phần đuôi tàu là việc dễ dàng, nhưng thách thức lớn nhất là phần mũi tàu", ông Peter Berdowski, CEO Boskalis Westminster, công ty mẹ của đơn vị cứu hộ cho biết.
Thậm chí, các nhóm đang hoạt động giải cứu con tàu cho biết không rõ sẽ mất bao lâu để mở lại hoàn toàn con kênh, ngay cả sau khi tàu Ever Given đã di chuyển.
"Siêu trăng giun" là gì?
Theo Earth Sky, siêu trăng tối 28/3 được gọi là "Siêu trăng giun". Tại Việt Nam, người yêu thiên văn cũng có cơ hội quan sát hiện tượng này.
Cái tên "Siêu trăng giun" xuất phát từ các thổ dân Mỹ bản địa. Nếu như trăng tròn tháng 1 được gọi "Trăng sói" - gắn với hình ảnh sói tru trong đêm, "Trăng giun" là lúc nền đất bắt đầu mềm dần để giun phát triển. Ngoài ra, đây cũng là tên loài giun đất thường xuất hiện vào thời điểm băng tan.
"Trăng giun" còn có một số tên gọi khác như "Trăng đường" (sugar moon), "Trăng mùa chay" (lenten moon), "Trăng dâu" (strawberry moon)...
Thủy triều vua gây ngập lụt tại Boston, Mỹ hồi 2017. Ảnh: The Boston Globe. |
Dù góp công lớn trong việc giải cứu Ever Given, các đợt thủy triều siêu trăng cũng khiến giới chức trách những vùng ven biển phải theo dõi chặt chẽ hoạt động của mực nước để đề phòng ngập lụt.
Theo Christian Science Monitor, cùng với hiện tượng băng tan ở Bắc Cực và mực nước biển ngày càng dâng cao trên khắp thế giới, các sự kiện siêu trăng từng gây thiệt hại lớn trong quá khứ.
Tại các vùng ven biển Mỹ, đặc biệt là miền nam bang Florida, thủy triều vua xảy ra một đến hai lần trong năm, khiến những khu vực thấp rơi vào cảnh ngập lụt.