Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG

29/08/2022 07:00

Nếu băng thủ quân dành cho cầu thủ có uy tín, kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng nhất trong đội bóng thì quả phạt đền, một cách không chính thức, là sự thừa nhận cho vị thế ngôi sao số một.

Nếu băng thủ quân dành cho cầu thủ có uy tín, kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng nhất trong đội bóng thì quả phạt đền, một cách không chính thức, là sự thừa nhận cho vị thế ngôi sao số một.

Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 1
Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 2

Hình dung theo cách dân gian Việt Nam, quả phạt đền ở PSG là "một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp". Bi kịch của Paris Saint Germain (PSG) là đội bóng này sở hữu quá nhiều ngôi sao. Lionel Messi, Kylian Mbappe hay Neymar? Messi là cầu thủ vĩ đại bậc nhất lịch sử bóng đá. Một huyền thoại. Một biểu tượng. Một cây đại thụ. Nhưng Messi đã 35 tuổi. Neymar, 30 tuổi, là cầu thủ đắt giá nhất lịch sử bóng đá, với những đặc quyền bất khả xâm phạm tại PSG.

Còn Mbappe? Anh mới 24, là hiện tại, là tương lai, là biểu tượng được quy hoạch của PSG lẫn bóng đá Pháp. Với bản hợp đồng mới ký với đội chủ sân Công viên các Hoàng tử, không khó để hình dung ngôi sao này được trao quyền lực lớn như thế nào. Và cho dù Messi thầm lặng đứng ngoài cuộc tranh giành "chiếc lăm lợn" của PSG, vẫn còn Mbappe và Neymar.

Chỉ 2 tuần sau khi Ligue 1 2022/23 khởi tranh, sau cú đề-pa có phần mượt mà, PSG nhanh chóng phải đối mặt với sóng gió hậu trường, câu chuyện quá đỗi quen thuộc ở đội bóng trọc phú nhất hành tinh. Penaltygate II nổ ra tưng bừng giữa Kylian Mbappe và Neymar ở trận đấu với Montpellier mới hồi trung tuần tháng 8 vừa qua.

Trước khi mùa giải khởi tranh, tân HLV của PSG, Christophe Galtier đã đặt ra thứ tự đá phạt đền: Mbappe được ưu tiên trước nhất, tiếp đến là Neymar, có nghĩa tiền đạo người Brazil sẽ đá penalty nếu đồng đội người Pháp vắng mặt hoặc nhường quyền đá phạt.

Chắc chắn Mbappe sẽ hiểu theo nghĩa đó, song Neymar không hài lòng và có thể cũng hiểu theo nghĩa khác. Sau trận đấu PSG thắng Lille 7-1 rạng sáng ngày 22/8, HLV Christophe Galtier buộc phải xác nhận lần nữa đặc quyền đá penalty của Mbappe là bất khả xâm phạm.

Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 3
Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 4

Tua nhanh đến ngày 13/8 định mệnh. Mbappe đã đá hỏng một quả phạt đền ở phút 21. 20 phút sau, PSG được hưởng quả phạt đền khác. Neymar thản nhiên cầm bóng để thực hiện trước sự ngỡ ngàng của đồng đội người Pháp. Hai người có vài lời qua tiếng lại nhưng ngôi sao người Brazil nhất quyết thực hiện cú đá 11m và ghi bàn.

Mbappe không vui, gương mặt tiền đạo người Pháp biểu hiện rõ thái độ đó. Cầu thủ này cáu kỉnh cả trận, dù đã ghi bàn và PSG thắng tưng bừng 5-2. Theo nguồn tin của ESPN, Mbappe không thích cách Neymar vồ lấy quả bóng ngay lập tức ở quả phạt đền thứ hai. Hành động của đàn anh khiến tiền đạo người Pháp khó chịu, song đó không phải vướng bận duy nhất trong tâm trí cầu thủ này.

Tóm lại, đó không phải là buổi tối tốt lành đối với Mbappe, và tiền đạo này trở thành tâm điểm chỉ trích của cơn bão truyền thông. Hơn thế nữa, chỉ vài giờ sau biến cố PenaltyGate II, Neymar đã "like" vài dòng tweet của những người hâm mộ chỉ trích việc Mbappe được chọn là chân sút phạt đền số một của PSG.

Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 5
Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 6
Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 7
Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 8

Tranh nhau đá phạt đền là câu chuyện quen thuộc ở PSG. Sở dĩ sự cố trong trận đấu với Montpellier được gọi là Penaltygate II bởi đã có Penaltygate I. Vụ bê bối này xảy ra ở mùa 2017/18, mùa giải đầu tiên Neymar đầu quân cho gã trọc phú thành Paris.

Tuy là tân binh nhưng với vị thế "vua con", ngôi sao người Brazil lập tức hất cẳng Cavani để giành lấy quyền đá phạt đền. Sự tranh giành này gây ô nhiễm cho phòng thay đồ PSG và đáng nói hơn, ông Unai Emery, HLV vào thời điểm đó không thể nào giải quyết thỏa đáng.

Tuy nhiên "truyền thống" tranh giành penalty đã có ở PSG trước cả khi Neymar chuyển đến. Đầu tiên là giữa Ibrahimovic và Cavani. Ibra có thể xem là "khai quốc công thần" của đế chế QSI tại Công viên các Hoàng tử. Và với bản tính kiêu hãnh tới mức kiêu ngạo, Zlatan không bao giờ muốn uy quyền của bản thân bị xâm phạm. Đặc biệt là quyền đá penalty.

Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 9
Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 10

Và rồi Cavani xuất hiện. Tiền đạo người Uruguay mon men ngỏ ý muốn đá phạt đền trong một trận đấu. Kết quả bị Ibra lạnh lùng ngó lơ. Nhưng theo thời gian, Zlatan già đi và ảnh hưởng của Cavani ngày càng lớn. Năm 2015, Ibrahimovic dính chấn thương và quyền đá phạt đền được giao luôn cho Cavani. Từ đó trở đi, ngôi sao người Thụy Điển càng căm ghét đồng đội và miêu tả Cavani như là kẻ huênh hoang ăn may.

Sau Ibra và Cavani là Cavani và Neymar, Sau Cavani và Neymar là Neymar và Mbappe. Vấn nạn tranh giành phạt đền xuất hiện không ngừng ở sân Công viên các Hoàng tử. Như đã đề cập, phạt đền là sự thừa nhận không chính thức cho vị thế ngôi sao số một trong đội bóng. PSG là đội bóng đi lên từ tiền bạc, bởi vậy để đốt cháy giai đoạn, họ chi rất nhiều tiền, thậm chí phá vỡ cấu trúc tài chính bóng đá để chiêu mộ những ngôi sao. Đó là sự dung dưỡng cho đặc tính buông thả và chủ nghĩa cá nhân thay vì hướng tới sự hy sinh cho đại cục. Hệ lụy là sự tranh giành quyền lực và vị thế giữa các ngôi sao, được phản ánh qua các sự cố tranh đá phạt đền.

Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 11
Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 12

5 năm về trước, Unai Emery đã bất lực ở vụ PenaltyGate đầu tiên. Bây giờ, ở vụ PenaltyGate II, các thành viên PSG hy vọng sẽ khác. Đầu tiên, trung vệ kỳ cựu Sergio Ramos đã phân trần mạnh bạo với cả hai ngôi sao trong phòng thay đồ để cố xoa dịu sự căng thẳng giữa đôi bên. Sau đó, Giám đốc thể thao Luis Campos bắt đầu thể hiện quyền hạn khi nhắc nhở Neymar và Mbappe nên tập trung vào thi đấu và sự cần thiết của việc tôn trọng nguyên tắc do HLV đặt ra. "Hai bạn là những cầu thủ xuất sắc, đừng để những thứ như thế này làm hỏng mùa giải", ông nói với họ.

Campos cũng nhắc nhở Neymar về những rủi ro khi đưa các vấn đề lên mạng xã hội thay vì xử lý nội bộ. Cầu thủ đắt giá nhất thế giới đã không hài lòng với thái độ của Mbappe trong trận đấu sau màn đá penalty, chẳng hạn như khi tiền đạo người Pháp "bỏ cuộc" trong đợt phản công của PSG chỉ vì Vitinha không chuyền bóng.

Campos biết Mbappe từ khi tiền đạo này mới 14 tuổi. Bởi vậy vị Giám đốc thể thao của PSG sẵn sàng ứng xử mạnh bạo hơn với tiền đạo người Pháp. Sau trận đấu với Montpellier, Galtier nói rằng ông thấy chẳng có gì sai khi Neymar thực hiện quả phạt đền thứ hai vì Mbappe đã đá hỏng quả phạt đền đầu tiên bởi HLV của PSG biết rằng, Campos sẵn sàng "sắm vai ác" để đưa Mbappe vào trật tự, như thực tế đã diễn ra.

Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 13
Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 14

Tuy nhiên, trong một phòng thay đồ đầy rẫy những cái tôi, hai cái tôi lớn nhất phải tìm được sự đồng điệu nếu muốn PSG có một mùa giải thành công. Galtier và Campos sẽ là chìa khóa cho điều này, cũng như sự sẵn sàng của cả hai để hướng đến mục tiêu chung. Và báo giới Pháp tiết lộ, Neymar và Mbappe sẽ tự bàn bạc với nhau để giải quyết vấn đề. Nhưng vấn đề được giải quyết ra sao thì… hạ hồi phân giải.

Nhưng cũng cần biết thêm, Neymar và Mbappe khá thân thiết khi cả hai cùng đặt chân đến PSG trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2018. Lúc đó, Neymar là "số một" còn Mbappe là của để dành cho tương lai. Tuy nhiên, trong vài tháng trở lại đây, Mbappe bắt đầu tỏ thái độ vì những đặc quyền vô kỷ luật Neymar được hưởng, đặc biệt sau khi quyền lực của tiền đạo người Pháp được củng cố sau bản hợp đồng mới được ký vào tháng 5. Theo L'Equipe, thậm chí Mbappe không hề phản đối chuyện Neymar rời PSG.

Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 15
Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 16

Trong cuộc chiến giành giật Mbappe, PSG đã thắng Real Madrid. Tuy nhiên, gã trọc phú thành Paris không tạo ra cảm giác họ đã chiến thắng. Bởi lẽ, tại vòng 1/8 Champions League 2021/22, Mbappe và các đồng đội đã thất bại trước những lão tướng như Benzema, Modric hay Toni Kroos. PSG có thể nhiều tiền hơn Real Madrid, nhưng danh tiếng và đẳng cấp, đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha vẫn xếp trên đội chủ sân Công viên các Hoàng tử, không chỉ một bậc mà là nhiều bậc.

Tương tự, việc khước từ Madrid để thể hiện sự "trung thành" với PSG bằng bản hợp đồng mới có thời hạn 3 năm lại khiến Mbappe trở thành "kẻ phản bội", "tên lính đánh thuê". Trần đời sao lại có sự trái ngang như vậy? Câu trả lời vẫn chỉ có một: PSG dùng tiền chiêu mộ ngôi sao nhưng không thể biến những ngôi sao thành tập thể thống nhất và thể hiện triết lý chung của đội bóng.

Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 17
Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 18

Hãy nhìn vào Real Madrid, từ thế hệ Galacticos 1.0 đến Galacticos 2.0, dù Zidane, Figo, Ronaldo hay Kaka, Ronaldo, Benzema thì giá trị đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha mang đến luôn là tinh hoa hội tụ và sự tận hiến. Đơn cử như Galacticos (Dải thiên hà) đầu tiên. Ở thời điểm khái niệm petrodollar còn quá xa lạ ấy, Real Madrid là kẻ thống trị trên thị trường chuyển nhượng, Florentino Perez là ông trùm, là Bố già với những đề nghị không thể chối từ đối với các ngôi sao. Nhờ vậy, những madridistas may mắn được tận hưởng những gì tinh túy nhất của một thế hệ vàng son.

Còn PSG? Từ PenaltyGate I đến PenaltyGate II, phản ánh trần trụi về đối bóng này là sự bất lực trong việc kiểm soát những ngôi sao vị kỷ. Sau Ibrahimovic, Cavani, Neymar, bây giờ đến lượt Mbappe. Người hâm mộ có thể tò mò chờ tam tấu Messi, Mbappe, Neymar ra sân, nhưng không ai phấn khích tận hưởng tài nghệ tuyệt luân của họ, nhưng những madridistas đã chờ Zidane, Figo hay Ronaldo.

Trở lại với Mbappe, tiền đạo người Pháp là một tài năng tuyệt luân của bóng đá đương đại. Bên cạnh những phẩm chất phi thường, sự khổ luyện và khát khao chinh phục đã tạo nên Mbappe. Nhưng giống như Neymar khi quyết định rời Barca để gia nhập PSG, Mbappe chọn ở lại đội bóng này vì bản thân hơn vì tập thể.

Tiền đạo người Pháp khao khát Quả bóng vàng, danh hiệu dĩ nhiên mọi cầu thủ đều khao khát. Nhưng bên cạnh danh vọng còn là quyền lực và tiền tài. PSG cho Mbappe quyền lực và tiền tài của một tiểu vương, thứ Real Madrid không có. Và vì vậy, nói như Florentino Perez, vị chủ tịch quyền lực của Real Madrid, người đã khai sinh ra khái niệm Galacticos thì: "Mbappe không còn là Mbappe".

Dĩ nhiên Mbappe vẫn cứ là tài năng hàng đầu, là ngôi sao sáng chói, nhưng ví von một cách hình ảnh, tiền đạo người Pháp như Galactico không chân dung. Tiền đạo này - và cả PSG - ngoại trừ tiền bạc chưa đại diện cho bất cứ giá trị thể thao nào.

Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 19
Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG - 20

Nội dung: Khải Hưng

Thiết kế: Đỗ Diệp

29/08/2022

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/the-thao/sieu-sao-khong-chan-dung-mbappe-va-thap-ky-gianh-giat-phat-den-cua-psg-20220822214509983.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/the-thao/sieu-sao-khong-chan-dung-mbappe-va-thap-ky-gianh-giat-phat-den-cua-psg-20220822214509983.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Siêu sao không chân dung Mbappe và thập kỷ giành giật phạt đền của PSG
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO