“Siêu hệ điều hành” thoát Mỹ và hành trình gian nan phía trước

25/06/2021 10:18

Có thể gọi ngay tên của "siêu hệ điều hành", đó là HarmonyOS 2.0. "Siêu hệ điều hành" là gọi theo định hướng thiết kế của HarmonyOS 2.0, không chỉ dành cho smartphone, mà mở rộng ra thế giới IoT (Internet of Things) kết nối hàng tỉ tỉ thiết bị trong tương lai.

Thoát Mỹ một cách không nóng vội

Hệ điều hành HarmonyOS là cái tên đã được đề cập tới từ hơn 2 năm trước. Cụ thể, vào tháng 5/2019, khi "cha đẻ" của HarmonyOS là Huawei cùng với 68 chi nhánh của mình bị chính quyền của Tổng thống Trump đưa vào "danh sách đen" (Entity List). Khi đó, HarmonyOS được đề cập đến như là vị cứu tinh thay thế cho hệ điều hành Android của Google bị chính quyền Mỹ cấm cung cấp cho đại gia công nghệ của Trung Quốc.

Tuy nhiên trong khoảng 2 năm qua, giới quan sát dường như không nhận thấy sự tiến triển nào của hệ điều hành thay thế này thể hiện trên các dòng smartphone của Huawei. Không ít ý kiến nhận định, HarmonyOS có thể đã thất bại từ trong trứng nước, hoặc rất khó có thể được ra mắt và chính thức đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế thị trường, vào cuộc thương chiến Mỹ - Trung và bối cảnh Huawei bị Mỹ và các đồng minh bao vây nhằm bức tử, mới thấy rằng việc Huawei không nóng vội đưa HarmonyOS vào smartphone là hoàn toàn có lí, qua đó có thêm thời gian nghiên cứu và phát triển, kiểm thử và vá lỗi… cho hoàn thiện hơn.

Bởi nếu Huawei có đưa HarmonyOS vào các dòng smartphone cao cấp như P hoặc Mate của mình, thì cũng chỉ bán được tại thị trường nội địa chứ khó mà bán ra thế giới khi không còn được trang bị hệ sinh thái ứng dụng của Google như Gmail, Maps, Chrome, Google Search, Google Drive, Google Photos, YouTube.v.v… dường như đã "ăn vào máu" của người dùng.

Còn nếu bán nội địa, không cần đến HarmonyOS thì smartphone của Huawei cũng nghiễm nhiên đã là một "ông lớn" tại thị trường Trung Quốc và khó có đối thủ nào cạnh tranh lại được. Người dùng Trung Quốc và thị trường Trung Quốc có hệ sinh thái ứng dụng riêng, họ từ lâu nay không cần đến và không phụ thuộc vào Google hay Facebook.

Con đường gian nan của "siêu hệ điều hành"

Cách chọn bước đi chậm mà chắc của Huawei với HarmonyOS hoàn toàn có lí. Họ đã nhìn ra ở hệ điều hành này với tầm nhìn rộng hơn chỉ là một hệ điều hành cho smartphone. Từ tầm nhìn đó, họ tự giao phó cho mình với HarmonyOS (tới nay là phiên bản 2.0) sứ mệnh là hệ điều hành IoT, về tương lai sẽ rộng mở thị trường và màu mỡ đất sống hơn.

Hơn nữa, sự đồng nhất một hệ điều hành cho các thiết bị IoT là điều mà ngay cả Google hay Samsung hiện nay cũng chưa phát triển tới nơi tới chốn, đặc biệt là ở mảng thiết bị điện tử, điện gia dụng, giám sát an ninh.v.v…

Tham vọng của Huawei cũng có thể thấy được là, đồng nhất 1 hệ điều hành sẽ tạo thuận lợi cho việc đồng bộ và kết nối các thiết bị chạy cùng hệ điều hành, một ứng dụng hay tiện ích có thể cài đặt sử dụng cho nhiều thiết bị, có thể tương tác và "nói chuyện" được với nhau.

Từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung tới nay vẫn chưa hạ nhiệt, một điều chắc chắn rằng chính phủ và các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã vạch ra một lằn ranh rõ ràng: Không bao giờ để suy nghĩ phụ thuộc vào công nghệ Mỹ chiếm lĩnh ý thức. Mà ngược lại, họ phải cố gắng thoát Mỹ để tránh hệ lụy. Điển hình nhất là Huawei, đang sống dở chết dở vì các lệnh cấm của Mỹ và đồng minh.

Tuy nhiên, trong trường hợp HarmonyOS 2.0, khó có thể nói rằng Huawei đã tự lực 100% từ con số 0 mà không hề có sự "cóp nhặt".

Có thể HarmonyOS sẽ "trông có nét giống" với Android hay iOS, MacOS... Sự "cóp nhặt" có thể kéo theo vấn đề bản quyền trong tương lai, và thậm chí có thể dẫn đến những "cuộc chiến" bản quyền. Tuy nhiên trước mắt, nó vẫn còn ở bước sơ khai, chưa đến mức béo bở cho các vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ.

Sự đánh giá sâu về chất lượng của HarmonyOS cùng với hệ sinh thái ứng dụng của nó lúc này chắc chắn còn nhiều thứ bị chê rằng còn thiếu, chưa thể hỗ trợ người dùng một cách ưu việt và đầy đủ như các dòng smartphone chạy Android của Google hay iOS của Apple.

Cho dù thế tôi vẫn thiên về quan điểm rằng, nên có một hệ điều hành thứ ba đủ mạnh, và hệ điều hành đó không phải từ Mỹ càng tốt, để tạo thế đối trọng cạnh tranh, để tránh tập trung kinh tế gần như tuyệt đối vào Google, dẫn đến độc quyền càng lớn gây ra hệ lụy càng nhiều cho người dùng.

Điểm lại những hệ điều hành dành cho smartphone từng bị Android "đả bại" như Sybian, BlackBerry, Windows Phone để thấy rằng, bất cứ một hệ điều hành mới thứ ba nào ra đời hiện nay hay trong thời gian tới chứ không riêng gì HarmonyOS, để sống được với Android và iOS sẽ không đơn giản, nếu không muốn nói là có thể "u đầu chảy máu", thảm bại.

Nhưng tôi vẫn thấy tính toán của Huawei với "siêu hệ điều hành" HarmonyOS có sự khác biệt nhất định với một Symbian già cỗi, và một BlackBerry quá khép kín, còn Windows Phone thì quá ảo tưởng và hoàn toàn thiếu hiểu biết, kinh nghiệm thực chiến về lĩnh vực hệ điều hành dành cho di động và thị trường điện thoại di động.

Huawei có một thị trường nội địa hơn 1,4 tỉ dân tại Trung Quốc, và có thể hợp tác, lôi kéo các đối tác là những tập đoàn, công ty công nghệ, hàng điện tử, gia dụng, tiêu dùng của Trung Quốc. Đây chính là cái thiếu và yếu của Microsoft khi phát triển Windows Phone. "Ông lớn" phần mềm Mỹ đã không có được một thị trường và các đối tác có khả năng tiến tới trở thành liên minh để hậu thuẫn.

Hơn nữa, dù Huawei bị Mỹ và đồng minh "đánh tơi tả" thì cũng phải công nhận rằng, từ công nghệ đến thiết bị của hãng này đều có chất lượng tốt, luôn sớm đưa ra những cải tiến mới mẻ.

Tuy nhiên, muốn thuyết phục được đông đảo người dùng trên thế giới sử dụng, HarmonyOS còn phải giải tỏa được mối nghi ngờ theo dõi người dùng, thu thập dữ liệu người dùng đưa về máy chủ ở Trung Quốc…

Dạ Thảo

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
“Siêu hệ điều hành” thoát Mỹ và hành trình gian nan phía trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO