Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, rạng sáng 26/7, vị trí tâm bão Doksuri nằm trên vùng biển phía bắc đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất cấp 15 (167-183km/h), giật trên cấp 17.
Ngày và đêm nay, bão di chuyển theo hướng tây bắc với vận tốc 10-15km/h và đi vào Biển Đông. Rạng sáng 27/7, tâm bão nằm trên vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông với sức gió duy trì ở cấp 15, giật trên cấp 17.
Hình thái này sau đó giữ hướng đi, tăng tốc và suy yếu nhẹ xuống cấp 13-14, trước khi đổ bộ vào đất liền khu vực hai tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông (Trung Quốc).
Ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông bắc khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7. Từ chiều và đêm nay (ngày 26/7), gió mạnh lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-15, giật trên cấp 17. Sóng cao 5-7m, biển động dữ dội.
Cơ quan khí tượng Hong Kong nhận định Doksuri đang ở trong giai đoạn mạnh nhất với sức gió 205km/h, tương đương cấp độ của một siêu bão cường độ cấp 16, giật trên cấp 17. Rạng sáng 26/7, tâm siêu bão nằm ở phía bắc đảo Luzon (Philippines).
Toàn bộ phần rìa mây phía nam cơn bão đã quét qua phần đất liền phía bắc Philippines, gây gió mạnh và mưa rất lớn cho khu vực này.
Khi tiến vào Biển Đông rạng sáng 27/7, bão có thể suy yếu nhẹ nhưng vẫn duy trì cường độ rất mạnh là 195km/h, tương đương cấp 15, giật trên cấp 17.
Đáng lưu ý, mô hình dự báo của Hong Kong đưa ra kịch bản khá cực đoan khi thời điểm áp sát đất liền Trung Quốc ngày 28/7, vùng gần tâm bão vẫn giữ cường độ mạnh cấp 15 (185km/h).
Trong khi đó, dự báo của Nhật Bản cho rằng Doksuri suy yếu nhanh sau khi tiến vào Biển Đông và đi chếch theo hướng bắc tây bắc. Theo mô hình này, khi tâm bão tiệm cận đất liền Trung Quốc, sức gió mạnh nhất giảm xuống còn 144km/h, tương đương cấp 13.
Các mô hình có chung nhận định toàn bộ vùng biển phía đông và giữa khu vực Bắc Biển Đông nằm trong vùng ảnh hưởng của bão. Dù vậy, hình thái này không tác động đến thời tiết đất liền nước ta.
Về thời tiết trên đất liền, ngày 26/7, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp diễn trạng thái mưa dông về chiều và đêm. Lượng mưa phổ biến 20-50mm/ngày, có nơi trên 70mm. Người dân đề phòng nguy cơ mưa lớn cục bộ gây tình trạng ngập úng vùng trũng thấp và sạt lở, lũ quét tại vùng núi.
Trong khi đó, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trải qua ngày tiếp theo của đợt nắng nóng diện rộng. Hôm nay, nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C. Một số nơi có nắng nóng gay gắt trên 37 độ C.
Ngày 27/7, nắng nóng mở rộng ra khu vực Trung Trung Bộ khi mức nhiệt cao trên 35 độ C duy trì từ 12h đến 17h.