'Siết' tiền tài xế và quán ăn, app giao hàng ăn dày cả 2 bên

27/06/2022 13:55

Với một đơn hàng, ứng dụng của các hãng công nghệ lấy được cả tiền chia sẻ doanh thu từ quán ăn và tiền chiết khấu từ vận đơn của shipper. Con số này không hề nhỏ.

Chủ quán ăn cũng như nhiều tài xế xe công nghệ tại TP.HCM cho hay, phí chia sẻ, chiết khấu mà các ứng dụng công nghệ lấy từ mỗi đơn hàng hiện quá cao. Đồng nghĩa, lượng tiền trích %/đơn hàng chảy vào túi các hãng công nghệ không hề nhỏ, trong khi “bão” giá thì người dân đang phải chống chịu.

Hợp tác với hãng công nghệ, quán ăn không có lãi

Anh Tuấn Khôi - chủ quán bánh mỳ Kebab (quận 3, TP.HCM) - thông tin, tiền chia sẻ bán hàng trên ứng dụng của quán hiện nay là 25%/đơn đối với Baemin và 27,5%/đơn đối với Loship. Phí này những năm trước chỉ ở mức khoảng 15-20%, sau đó tăng dần.

Khi doanh thu/đơn hàng chia sẻ lại cho các hãng xe công nghệ càng cao buộc quán ăn phải tăng giá nếu không sẽ mất lợi nhuận. Theo anh Khôi, tăng giá ảnh hưởng lớn đến khách hàng. Họ đặt đồ ăn, thấy đắt hơn mà chất lượng sản phẩm không tăng theo thì cửa hàng bị đánh giá thấp. Chưa kể, tăng giá dẫn đến khó bán, lượng đơn đặt ít lại. Thay vì đặt đồ ăn, người dân thà ra quán gần ăn tại chỗ với giá rẻ.

Chủ quán bánh mỳ mong muốn các hãng công nghệ giảm tiền chia sẻ doanh thu xuống mức 20%/đơn để duy trì hoạt động, ổn định trong “bão” giá.

Với mỗi đơn hàng, ứng dụng giao hàng đang "ăn" tiền 2 chiều của cả quán ăn và tài xế (ảnh: Trần Chung)

Trong khi đó, chị Phương Thảo - chủ quán bún đậu (quận 7, TP.HCM) - phản ánh, quán đang chạy bán hàng qua Foody với phí chia sẻ 18%/đơn, trước đây là GrabFood với mức 25%/đơn. Khách đặt qua ứng dụng phần lớn là sinh viên, với xu hướng chọn chương trình khuyến mãi do giá rẻ. Khi áp dụng mã khuyến mãi, quán phải tự gánh toàn bộ phần giảm giá. Nếu không có khuyến mãi thì lượng khách đặt hàng trên ứng dụng thua xa khách đến ăn trực tiếp.

Chị khẳng định, sau 4 năm kinh doanh quán ăn kết hợp với các ứng dụng giao hàng, lợi nhuận thu được bằng 0. Bán hàng ăn qua ứng dụng chỉ như hình thức hỗ trợ, quảng cáo thêm.

Tương tự, anh Hải, một chủ quán cơm văn phòng (quận 3, TP.HCM), cho hay, bán đồ ăn qua ứng dụng được thời gian đầu do có mã khuyến mãi. Hết khuyến mãi là hết khách. Chương trình giảm giá tới 50% thì nhà hàng tự gánh thiệt thòi, còn bình thường giá có phí chia sẻ quá cao nên khách không đặt. Như vậy, chẳng khác gì bán tại chỗ, tiền chênh thì hãng xe công nghệ lấy chứ quán ăn không thu được đồng lợi nhuận nào.

“Phí chia sẻ cao đang ảnh hưởng đến doanh thu vì bán ra chậm. Đơn cử, hộp cơm 40.000 đồng đã chia doanh thu cho hãng công nghệ rồi mà tiền vận chuyển 15.000 đồng shipper vẫn phải chia tiếp là quá nhiều”, anh Hải nhận xét.

Hãng xe tăng cước nhưng tài xế chẳng được là bao

Ngoài việc lấy tiền chia sẻ doanh thu/đơn hàng từ các quán ăn, dịch vụ giao hàng của hãng công nghệ còn “ăn” thêm chiết khấu/đơn của shipper. Như vậy, với một đơn đặt hàng, họ nghiễm nhiên thu tiền từ cả hai phía.

Theo các shipper, phí chiết khấu hiện quá cao. Anh Lê Anh Tuấn - tài xế Gojek - nhẩm tính, với mức chiết khấu 25%, một đơn hàng vận chuyển giá 16.000 đồng tài xế mất 1/4 số tiền cho hãng, chỉ giữ lại 12.000 đồng. Chưa kể, chi phí đổ xăng đang đắt đỏ.

Đáng chú ý, trong điều kiện trời mưa, ứng dụng tăng giá cước do nhu cầu tăng cao, một cuốc vận chuyển khoảng 28.000 đồng có thể tăng lên hơn 40.000 đồng. Bất hợp lý ở chỗ, tuy tăng phí dịch vụ cao ngút với khách, nhưng số tiền tăng thêm cho shipper lại thấp. Trong khi, người cực khổ nhất là shipper chạy xe trời mưa, nguy hiểm. Do đó, nhiều tài xế chấp nhận tắt ứng dụng, dừng chạy.

Tài xế Hưng - ứng dụng Baemin - cũng nêu sự vô lý này. Theo Hưng, khi trời mưa, nhu cầu đặt đồ ăn tăng cao, khách hàng phải trả phí dịch vụ rất đắt nhưng tiền vào túi tài xế tăng không xứng đáng.

“Một đơn hàng 29.000 đồng thì tôi nhận chỉ khoảng 16.000-17.000 đồng, số tiền còn lại là công ty lấy. Tôi muốn hãng tăng phí vận chuyển một chút để tài xế thêm thu nhập. Các ứng dụng giao hàng công nghệ cần điều chỉnh giá cân bằng để các bên đều có lợi. Bởi, khi giá dịch vụ quá cao thì người dân sẽ cân nhắc, ít đặt đồ ăn bên ngoài. Từ đó, ảnh hưởng đến chính thu nhập của chúng tôi”, anh chia sẻ.

Trần Chung 

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/siet-tien-cua-tai-xe-va-quan-an-app-giao-hang-an-day-ca-2-ben-2033455.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/siet-tien-cua-tai-xe-va-quan-an-app-giao-hang-an-day-ca-2-ben-2033455.html
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    'Siết' tiền tài xế và quán ăn, app giao hàng ăn dày cả 2 bên
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO