SEA Games 32: Kết thúc tốt đẹp, diễn ra… độc, lạ

Tú Anh (T/H)| 18/05/2023 09:00

SEA Games 32 lần đầu tiên tổ chức tại Campuchia vừa kết thúc với một lễ bế mạc đầy màu sắc. Bên cạnh nỗ lực của nước chủ nhà, đại hội thể thao lớn nhất khu vực cũng có nhiều chuyện… độc lạ và những sự cố hy hữu.

Kết thúc tốt đẹp

Lần đầu tiên tổ chức, nước chủ nhà SEA Games 32 là Campuchia khiến cho các quốc gia, VĐV, truyền thông quốc tế ngả mũ với công tác chuẩn bị vô cùng xuất sắc.

Và cũng lần đầu tiên trong lịch sử đại hội, Campuchia tuyên bố và thực hiện việc miễn phí ăn ở cho hơn 6000 VĐV tham dự khiến nhiều quốc gia bất ngờ.

Không chỉ tạo điều kiện tối đa cho các VĐV, đoàn tham dự SEA Games 32, nước chủ nhà Campuchia cũng mang đến nhiều sự ngạc nhiên khi có hệ thống nhà thi đấu, sân tập luyện và làng VĐV hiện đại bậc nhất trong số các kỳ đại hội từ trước đến nay.

Công tác an ninh, phục vụ cho SEA Games 32 cũng được các quốc gia tham dự với trách nhiệm và nhiệt tình từ các lực lượng cảnh sát, quân đội đến TNV.

sea5.jpg
SEA Games 32 diễn ra vô cùng ấn tượng

Chưa dừng ở đó, lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 32 cũng được nước chủ nhà Campuchia chăm chút một cách vô cùng kỹ lưỡng với những chương trình nghệ thuật đặc sắc gây ấn tượng mạnh cho các đoàn tham dự lẫn truyền thông quốc tế…

nhưng cũng diễn ra đầy… độc lạ

Ngay ở buổi lễ khai mạc, BTC SEA Games 32 mắc sai sót khá nghiêm trọng khi treo ngược quốc kỳ của Indonesia, Việt Nam và Myanmar khiến nước chủ nhà phải lên tiếng xin lỗi ngay sau đó.

Khi bước vào tranh tài chính thức, công tác tổ chức của SEA Games 32 khiến không ít người phải ngỡ ngàng. Điển hình như ở bộ môn Điền kinh, Campuchia bất ngờ đẩy lịch thi đấu nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật nữ sát nhau khiến nhà vô địch Nguyễn Thị Oanh gặp nhiều thách thức.

oanh.jpeg
BTC SEA Games 32 đưa sát giờ thi đấu khiến Nguyễn Thị Oanh vất vả giành HCV

Việc đổi lịch thi đấu cũng được BTC áp dụng với môn Bóng đá nam. Cụ thể, để tăng sức hấp dẫn, sự kịch tính trong cuộc đua tranh suất vào bán kết môn bóng đá nam SEA Games 32, BTC quyết định thay đổi thời gian lượt trận cuối bảng A với 2 trận đấu diễn ra cùng thời điểm chỉ ít giờ theo lịch cũ vốn thi đấu vào các khung giờ khác nhau.

Ở SEA Games năm nay, phần trao huy chương cho các VĐV ở môn Điền kinh không có phần kéo cờ mà thay vào đó BTC đã chuẩn bị sẵn quốc kỳ trên màn hình led để thực hiện nghi thức hát Quốc ca khiến cho buổi lễ giảm đi phần ý nghĩa.

Việc tổ chức trao huy chương nội dung đi bộ 20km diễn ra trong lúc mất điện, buộc VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc phải nhận HCV và hát Quốc ca dưới ánh sáng từ những chiếc đèn xe có lẽ chỉ xuất hiện ở nước chủ nhà của SEA Games 32.

oanh2.jpeg
Sự cố trao huy chương nhờ đèn xe cũng là hy hữu 

Còn ở môn Pencak Silat, trận chung kết hạng cân 50-55kg đã gây ra tranh cãi quyết liệt giữa BHL Việt Nam và BHL Indonesia. Hai đội gửi đơn khiếu nại, BTC quyết định trao HCV cho Hồng Ân của Việt Nam. Nhưng cuối cùng, khi lên bục trao giải, BTC đã “quay xe” và trao 2 HCV cho cả Việt Nam và Indonesia và tuyên bố ở hạng cân này không có HCB.

sea3.jpeg
BTC cũng sẵn sàng trao đồng HCV cho các VĐV sau khi kiện cáo

Tình trạng trao cả 2 HCV cho các VĐV tiếp tục xảy ra ở môn Valorant, đội Indonesia kiên quyết không đấu tiếp và gửi đơn khiếu nại vì cho rằng Singapore chơi xấu. Ban tổ chức không xử thua mà quyết định trao 2 HCV cho cả 2 đội.

Còn ở môn Cầu lông nội dung "Đồng đội hỗn hợp" (Mixed Team), nước chủ nhà đã cấm 5 đội có nền cầu lông mạnh nhất khu vực: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore tham gia. Và chỉ có Campuchia, Lào,Timor Leste, Myanmar, Brunei chơi với nhau tại nội dung này. Lý do của BTC là "nhằm thúc đẩy sự phát triển cầu lông của các quốc gia".

BTC SEA Games 32 cũng cho thấy sự chuẩn bị thiếu chỉn chu ở các môn thi đấu. Ở môn Bơi, VĐV Jerard Dominic của Philippines đã gặp một sự cố hy hữu xảy ra khi thang đứng ở vạch xuất phát của Dominic gặp sự cố và rơi xuống nước. Kình ngư này không thể thực hiện lượt bơi như các VĐV khác tham gia tranh tài. Vì vậy, ban tổ chức đã quyết định xếp cho Dominic tham dự lượt bơi tiếp theo.

sea6.jpeg
Dù vậy, nỗ lực tổ chức của Campuchia là đáng ghi nhận

Ở phần trao huy chương cho môn Bóng rổ 3x3 của nữ. Những tấm HCV được trao cho các cô gái Việt Nam đáng ra phải dành cho các VĐV ở nội dung bóng rổ 3x3 nam (đội Campuchia).

Ngay sau đó, ban tổ chức đã tìm tới khu vực đội tuyển Việt Nam để giải thích. Các tuyển thủ thủ nữ Việt Nam đã gửi lại những chiếc huy chương trao nhầm và nhận về 4 tấm HCV của nội dung nữ.

Khá nhiều sự cố hy hữu đã xảy ra tại SEA Games 32, tuy nhiên tất cả cũng đều thông cảm bởi đây là sự kiện thể thao lớn nhất từ trước đến nay do Campuchia tổ chức, nên sai số là khó tránh khỏi.

Và hy vọng sau đại hội này Campuchia sẽ có thêm kinh nghiệm tổ chức, bên cạnh đó là động cho sự phát triển thể thao, văn hoá… trong tương lai.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
SEA Games 32: Kết thúc tốt đẹp, diễn ra… độc, lạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO