Nhiều chuyên gia đề xuất cần giảm thêm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương. Ảnh minh họa: Như Ý |
Năm 2021, nền kinh tế trong nước đối mặt nhiều khó khăn. Dù vậy, tổng thu ngân sách do ngành Thuế quản lý vẫn vượt dự toán cả năm trên 177.000 tỷ đồng (vượt hơn 15% so với dự toán). Kết quả này cho thấy, vẫn còn nhiều nguồn để bù đắp thu, thêm dư địa cho các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong năm tới.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay cả năm 2022 (thay vì mức giảm 30% của năm 2021). Nếu được thông qua, dự kiến số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 1.800 tỷ đồng (trường hợp thị trường hàng không phục hồi bằng năm 2020). Ít ngày trước, Bộ Tài chính cũng ban hành thông tư hướng dẫn giảm 37 loại phí, lệ phí tới hết tháng 6/2022, với tổng số thu ngân sách giảm trên 1.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị Tổng kết ngành Thuế vừa diễn ra, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, dự kiến gói miễn, giảm thuế, phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm tới có quy mô gấp 3 lần mức đã giảm năm 2021 (khoảng 60.000 tỷ đồng). Để bù đắp nguồn thu, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu ngành Thuế kiểm soát các nguồn còn dư địa thu, chống thất thu, như: Tăng quản lý sàn giao dịch điện tử, các hoạt động trên nền tảng số, bất động sản, khoáng sản, ngân hàng, chứng khoán, chống thất thu qua hoàn thuế giá trị gia tăng...
Giảm thuế phải sát với thực tế
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Phan Phương Nam, Phó trưởng Khoa Luật thương mại (ĐH Luật TPHCM) cho rằng, năm 2021, thu thuế vẫn vượt dự toán, tạo cơ sở để thêm chính sách miễn, giảm thuế trong năm 2022, kể cả với thuế thu nhập cá nhân.
Theo ông Nam, có thể mở rộng diện được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thay vì chỉ áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, hiện giá xăng dầu tăng rất cao, ảnh hưởng tới đời sống người dân và sản xuất của nhiều ngành nghề, thế nên cần xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế môi trường để giảm giá thành. Cụ thể, cần mở rộng diện được giảm thuế giá trị gia tăng với mức giảm khoảng 50% để giúp giảm giá thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, hỗ trợ và kích thích tiêu dùng, từ đó tác động ngược lại thúc đẩy sản xuất. Bên cạnh đó, cần tạm thời giảm mức thuế thu nhập cá nhân, hoặc tăng ngưỡng giảm trừ gia cảnh với người có thu nhập từ tiền công, tiền lương trong lúc này.
Ngoài thuế, ông Nam cũng đề xuất sử dụng ngân sách cấp bù lãi suất, hoặc cung cấp các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp vay phục hồi sản xuất. Trong đó ưu tiên các doanh nghiệp trước khi có dịch COVID-19 hoạt động tốt, hiện khó khăn, thua lỗ nhưng có khả năng phục hồi. “Các chính sách thuế nên áp dụng từ 1 đến 2 năm, thay vì chỉ vài tháng, để doanh nghiệp có thời gian xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh nhằm hưởng lợi chính sách”, ông Nam nói.
Thời gian qua, nhiều hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề cũng gửi kiến nghị tới các bộ ngành, Chính phủ đề xuất thêm chính sách miễn, giảm thuế, phí, đặc biệt là giảm thuế giá trị gia tăng.
Về đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân với tiền công, tiền lương, Bộ Tài chính cho rằng, mức thuế hiện tại không cao và đã tăng ngưỡng giảm trừ gia cảnh. Bộ này lý giải, thuế chỉ tính trên phần tiền công, tiền lương đã giảm trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ người phụ thuộc, các khoản từ thiện, trợ cấp... Cùng với đó, từ tháng 7/2020, mức giảm trừ với các cá nhân tăng từ 9 lên 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ người phụ thuộc từ 3,6 lên 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng.
Sau giảm trừ, mức thu nhập chưa phải chịu thuế là 17 triệu đồng/tháng trở xuống (với 1 người phụ thuộc), hoặc 22 triệu đồng/tháng trở xuống nếu có 2 người phụ thuộc. Do đó, theo Bộ Tài chính, chưa cần thiết phải điều chỉnh với thuế thu nhập cá nhân.