Trao đổi với PV Dân trí chiều 14/9, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết mô hình kinh doanh cà phê đường tàu xuất hiện từ khoảng năm 2017-2018, trở thành điểm "check-in" nổi tiếng của du khách trong và ngoài nước.
Đến nay, địa bàn quận Hoàn Kiếm có hơn 30 quán cà phê đường tàu. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này được nhận định vi phạm giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt, cần có phương án giải quyết dứt điểm.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, sau dịch Covid-19, chính quyền địa phương tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh và đã kiểm tra, xử phạt một số hộ kinh doanh và du khách, về việc vi phạm giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Sau khi nhận được văn bản của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hôm 12/9 về việc kiến nghị "xóa sổ" xóm cà phê đường tàu, ông Quân khẳng định quận Hoàn Kiếm sẽ không đánh đổi sự an toàn của người dân với bất kể lợi ích kinh tế nào.
"100% cơ sở kinh doanh đều vi phạm giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt, nên muộn nhất là 3 ngày tới, chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ giấy phép kinh doanh, đình chỉ có hiệu lực", ông Quân nói.
Quận Hoàn Kiếm sẽ giao cơ quan chức năng tổ chức rào chắn, tuyên truyền, vận động người dân và du khách dưới nhiều hình thức, để không còn tình trạng "check-in" trên đường tàu tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Quận cũng sẽ xây dựng đề án gắn với tuyến đường sắt này nhằm hình thành điểm đến thu hút du lịch, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân và du khách.
"Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải xây dựng đề án theo khung giờ, khoảng thời gian tàu chạy phù hợp, vừa đáp ứng nhu cầu người dân vừa tuân thủ quy định pháp luật", ông Quân cho hay.
Quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo UBND các phường Hàng Bông, Cửa Nam, Cửa Đông ra quân tuyên truyền và quán triệt rõ ràng với người dân và du khách.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm cho biết sẽ thành lập tổ công tác rà soát toàn bộ quán cà phê đường tàu trên địa bàn, yêu cầu ký cam kết tạm dừng kinh doanh trong thời gian chờ biện pháp giải quyết giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải.
Lực lượng chức năng sẽ chia làm 3 ca, hoạt động 24/7, để tránh tình trạng cửa hàng mở chui.
"Sau khi có phương án thống nhất, chúng tôi hi vọng bà con tiếp tục được kinh doanh, và khu đường tàu này sẽ trở thành địa điểm thu hút khách du lịch đặc trưng của Hà Nội", ông Hoàng Anh trả lời PV Dân trí.
Cùng ngày, đại diện UBND quận Ba Đình thông tin, thực hiện đạo của UBND TP Hà Nội, địa phương đã quyết liệt dẹp bỏ các quán cà phê dọc tuyến đường sắt.
"Đến nay, địa bàn phường Điện Biên không còn hàng quán cà phê sát khu vực đường sắt", vị đại diện cho hay.
Trước đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu đang ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đầu năm 2018 khu vực phía Bắc ga Hà Nội (từ Km 0+595 đến Km 0+840 tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng) xuất hiện loại hình du lịch khách nước ngoài đi tham quan, quay phim chụp ảnh trên đường sắt, nhất là khi có tàu chạy qua.
Sau đó, các hàng quán bày bàn ghế bán nước cho khách du lịch trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Khi dịch Covid-19 được kiềm chế, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực này lại tái diễn.
Hồi đầu tháng 5, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải đã có văn bản gửi các phường Hàng Bông, Cửa Nam, Điện Biên Phủ đề nghị có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng người dân bày bán hàng, du khách trong nước và nước ngoài quay phim chụp ảnh tại đây.
Đồng thời, Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị tiếp tục chỉ đạo, xử lý tình trạng này.
Tuy nhiên, những vi phạm tại khu vực này vẫn hết sức nghiêm trọng, nhất là dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua.