Lãnh đạo Vĩnh Phúc yêu cầu tập trung kiểm tra kiến thức đối với cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là cán bộ) chủ yếu vào các quy định của Ban Chấp hành Trung ương đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của đảng; quy định của Bộ Chính trị về kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật phòng chống tham nhũng; chương trình cải cách hành chính nhà nước; quy chế văn hóa công vụ; kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ…
Hình thức kiểm tra do tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương quyết định bằng hình thức trắc nghiệm (90 phút) hoặc kiểm tra viết (120 phút). Cán bộ có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu sẽ phải tham dự kỳ kiểm tra tiếp theo.
yêu cầu việc kiểm tra kiến thức phải căn cứ vào vị trí việc làm theo ngành, lĩnh vực chuyên môn của các cơ quan, đơn vị. Nội dung và hình thức kiểm tra phải khoa học, đảm bảo đánh giá khách quan về trình độ, năng lực thực sự của cán bộ.
Công tác kiểm tra được yêu cầu thực hiện công khai, minh bạch và không gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan.
"Kết quả kiểm tra được sử dụng là một trong những tiêu chí để quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và đánh giá, xếp loại chất lượng, thi đua, khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức", UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ.
Các cơ quan, địa phương ban hành kế hoạch kiểm tra kiến thức đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý, gửi về Sở Nội vụ Vĩnh Phúc theo dõi trước ngày 31/3.
Theo yêu cầu của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các cơ quan và địa phương thành lập hội đồng kiểm tra kiến thức gồm 5 hoặc 7 người; thành phần gồm lãnh đạo, người đứng đầu bộ phận giúp việc về công tác cán bộ và một số phòng, ban chuyên môn.