Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý I/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), trước câu hỏi của báo chí, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, chuyến hồi hương mang tính lịch sử của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" sẽ sớm có kết quả trong giai đoạn tháng 4-6/2023.
Trước thông tin một nhà sưu tập người Việt đã mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", ông Trần Đình Thành trả lời rằng, Cục Di sản văn hóa chưa thể công bố chính thức bởi quá trình đàm phán, thương lượng và tiến hành thủ tục hồi hương vẫn đang diễn ra.
"Hiện nay chúng tôi chưa thể cung cấp thông tin cụ thể vì phải thực hiện cam kết giữa các bên và tiến hành thủ tục để đưa ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hồi hương theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam và Pháp," ông Trần Đình Thành nói.
Trước ý kiến cho rằng, nếu ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" thuộc quyền sở hữu cá nhân thì rất có thể sẽ bị bán ra nước ngoài lần nữa, ông Trần Đình Thành khẳng định: "Dù ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" thuộc sở hữu cá nhân thì cũng sẽ không có chuyện cổ vật quý giá này lại bị bán ra nước ngoài một lần nữa".
"Thông tư số 19 (năm 2012) của Bộ VH,TT&DL quy định danh mục di vật cổ vật không được đưa ra nước ngoài bao gồm di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử Việt Nam trước tháng 9 năm 1945 trong đó bao gồm ấn tín," ông Trần Đình Thành nói thêm.
Theo ông Trần Đình Thành, ở góc độ quản lý nhà nước, Cục Di sản văn hóa cam kết đảm bảo thực thi đúng quy định pháp luật. Cổ vật có thể đưa ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm để quảng bá văn hóa Việt Nam hoặc nghiên cứu, bảo quản, phục chế do điều kiện công nghệ trong nước chưa đáp ứng được.
Cụ thể, theo Điều 44 Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009: Việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản phải có sự bảo hiểm từ phía tiếp nhận di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài; quyết định của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cho phép đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài.
Ông Trần Đình Thành lý giải: "Di vật, cổ vật thuộc sở hữu tư nhân do Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cho phép theo đề nghị bằng văn bản của Giám đốc Sở VH,TT&DL trên cơ sở đơn xin phép của chủ sở hữu di vật, cổ vật đó".
Trước đó, PV Dân trí đã đưa tin, Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL xác nhận thông tin một người Việt đã mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", hiện phía Việt Nam vẫn đang hoàn tất thủ tục để đưa cổ vật quý giá này hồi hương. Việc thương lượng mua ấn vàng đã diễn ra từ lâu và đã thành công, và phía Pháp đợi chuyển tiền thành công là giao cổ vật.
Ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh, chủ sở hữu Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng, được xác định là người đã trực tiếp thương lượng với hãng đấu giá Millon của Pháp để mua lại ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".
Trước đó nữa, khi biết tin ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của triều Nguyễn xuất hiện trong sự kiện đấu giá tại Pháp, Bộ VH,TT&DL đã cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan tìm kiếm giải pháp hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo trở về đất nước.
Bộ VH,TT&DL đã tổ chức đoàn công tác liên ngành đàm phán, thương thảo trực tiếp với hãng Millon. Đoàn công tác đã đánh giá tính xác thực của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" và xác định đây là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) như ghi chép trong sử sách (Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ) và trong biên bản, hình ảnh bàn giao ấn kiếm của chính quyền Thực dân Pháp cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 8/3/1952.
Trong số các phiên bản ấn vàng của triều Nguyễn, ấn "Hoàng đế chi bảo" được đấu giá ở Pháp có giá trị lịch sử đặc biệt bởi đây là chiếc kim ấn đã được hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại trao cho đại diện Việt Minh là ông Trần Huy Liệu cùng với thanh bảo kiếm của vua Khải Định vào chiều 30/8/1945.
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" ở quai đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ "vương" (vua), vây lưng và đuôi rồng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, bốn chân rồng đúc rõ năm móng.
Mặt trên của ấn, ở hai bên quai ấn, có khắc chìm hai dòng chữ "Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo" (đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 - tức 1823) và "Thập thành hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân" (làm bằng vàng, nặng 280 lạng 9 chỉ 2 phân - tức 10,78kg). Mặt dưới của ấn khắc nổi bốn chữ triện "Hoàng đế chi bảo" (báu vật của hoàng đế).