Sẽ điều tiết nếu bất động sản tăng giá hơn 20% trong 3 tháng

10/08/2024 19:04

Nghị định số 96/2024 quy định chi tiết một số điều Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ 1/8 quy định việc các bộ, ngành sẽ có trách nhiệm điều tiết thị trường nếu bất động sản có biến động "bất thường". Theo đó, các bộ, ngành sẽ phải đề xuất biện pháp nhằm điều tiết thị trường nếu như chỉ số giá giao dịch bất động sản có sự biến động tăng trên 20%.

Theo quy định, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ hoặc căn cứ vào chỉ số giá, số lượng giao dịch bất động sản cũng như các chỉ số, số liệu thống kê về kinh tế - xã hội thuộc các ngành, lĩnh vực khác có liên quan đến thị trường bất động sản để đánh giá tình hình thị trường bất động sản cũng như đề xuất thực hiện việc điều tiết thị trường.

Nghị định đã nêu rõ việc nghiên cứu, tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình cũng như đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản sẽ được thực hiện khi chỉ số giá giao dịch bất động sản có biến động tăng hoặc giảm trên 20% trong vòng 3 tháng hoặc thị trường bất động sản có những biến động ảnh hưởng đến sự ổn định của kinh tế - xã hội.

Sẽ điều tiết nếu bất động sản tăng giá hơn 20% trong 3 tháng ảnh 1
Căn hộ chung cư tăng từ cuối năm 2023 đến nay.

Việc đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản sẽ diễn ra trong thời hạn 15 ngày. Bộ Xây dựng sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh nhằm tổng hợp, báo cáo đánh giá tình hình cũng như đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản để trình Chính phủ xem xét và quyết định.

Bộ Xây dựng đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản liên quan đến chính sách pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản; về chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, bất động sản...

Những biện pháp điều tiết thị trường bất động sản liên quan đến chính sách pháp luật về đầu tư, đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các chính sách pháp luật về đất đai.

Bộ Tài chính sẽ đề xuất các biện pháp có liên quan đến chính sách pháp luật về thuế, tài chính, chứng khoán cũng như trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ đề xuất liên quan đến chính sách pháp luật về tín dụng.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát việc triển khai thực hiện các dự án bất động sản tại các địa phương, doanh nghiệp cũng như đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản trên địa bàn.

Bộ Xây dựng sau đó sẽ tiến hành tổng hợp, báo cáo và đánh giá tình hình, đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản để trình Chính phủ xem xét và quyết định.

Trong trường hợp các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản vượt thẩm quyền Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Chính phủ trình quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét và quyết định.

Số liệu của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, đối với giá chào bán căn hộ chung cư bình quân toàn thị trường có xu hướng tăng từ cuối năm 2023 đến thời điểm hiện tại, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM.

Đối với loại hình nhà ở riêng lẻ và đất nền, giá giao dịch cũng có xu hướng tăng, nguyên nhân được cho là do giá chung cư tăng cao và nguồn cung khan hiếm khiến giá bán ở phân khúc này cũng tăng mạnh.

Lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng quý sau cao hơn quý trước và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm có khoảng 253.000 giao dịch bất động sản thành công, bằng 110,26% so với 6 tháng cuối năm 2023.

Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung bất động sản sau một thời gian còn hạn chế đang có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Thị trường ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động, dự án mới mở bán. Cụ thể, từ đầu năm đến nay đã có 18 dự án nhà ở thương mại được hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới và 984 dự án đang triển khai.

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở có 32 dự án hoàn thành,16 dự án được cấp phép mới và 519 dự án đang triển khai; nhà ở xã hội, 8 dự án hoàn thành.

Bài liên quan
  • Cổ phiếu bất động sản bị bán tháo, VN-Index mất hơn 12 điểm
    Phiên giao dịch ngày 17/7, các chỉ số chính giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu ở phiên sáng do sự phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip. Về cuối phiên, áp lực bán bất ngờ dâng cao tại nhiều nhóm ngành, trong đó nhóm bất động sản bị bán tháo với hàng loạt mã như: ACG, DIG, FDC, IJC, QCG, SJS, TCH giảm sàn đã khiến VN-Index giảm sâu. Chốt phiên, VN-Index giảm 12,52 điểm xuống mức 1.268,66 điểm.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sẽ điều tiết nếu bất động sản tăng giá hơn 20% trong 3 tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO