Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Đáng chú ý, tại dự thảo luật này, vấn đề về tài sản số đã được đề cập, nhằm tạo khung khổ pháp lý cho một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ.
Giao dịch hơn 100 tỉ USD
Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho tài sản số, tiền số (còn gọi là tài sản ảo, tiền ảo) đã được Chính phủ giao cho các bộ, ngành triển khai, hạn chót đến tháng 5-2025.
Việc xây dựng khung pháp lý là một trong những hành động nằm trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng chống rửa tiền, phòng chống tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Mặt khác, với sự phát triển mạnh mẽ của tài sản số, tiền số, đòi hỏi về khung pháp lý đang rất cấp thiết. Dù chưa được công nhận song trên thực tế, việc sở hữu, giao dịch các loại tài sản số, tiền số diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam.
Báo cáo gần đây của CryptoCrunchApp cho thấy Việt Nam xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng về lượng người nắm giữ tiền số trên thế giới (sau Ấn Độ và Mỹ). Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho biết năm 2022, dòng tài sản số vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỉ USD. Con số này đạt khoảng 120 tỉ USD vào năm 2023 và dự báo tăng trưởng mạnh trong năm 2024.
Ông Lê Việt Cường (trú tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) - một người đang sở hữu tiền số, cho biết việc giao dịch, đầu tư tiền số hiện nay khá dễ dàng thông qua các sàn giao dịch quốc tế. Việc mua bán tiền số thông thường sử dụng phương thức giao dịch ngang hàng (P2P). Khi tài sản số, tiền số phát triển mạnh mẽ, giao dịch mua bán, đầu tư ngày càng trở nên phổ biến. Vấn đề về khung pháp lý sẽ giải quyết các đòi hỏi về tính sở hữu, tranh chấp, đặc biệt là công tác quản lý thuế ngày càng cấp thiết.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số nêu rõ tài sản số, tiền số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối, mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật liên quan. Như vậy, dự thảo luật đã đề cập vấn đề sở hữu loại tài sản này.
Quản lý thuế là cần thiết
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã đề xuất giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành ban hành hoặc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý tài sản số, tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số.
Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) - nhìn nhận trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý, cần xác định tài sản số là gì; vị trí pháp lý và quản lý nó như thế nào. Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ, ngành thực hiện việc này, trong đó có hoàn thiện chính sách về thuế đối với tài sản số.
Trong trường hợp tài sản số, tiền số được xem như một loại tài sản thì Bộ Luật Dân sự hiện nay chưa điều chỉnh nội dung này, do đó cần xem xét. Ông Trương Bá Tuấn cho rằng nếu tài sản số được quy định trong Luật Công nghiệp công nghệ số thì bước đầu sẽ có căn cứ để thực hiện pháp luật về thuế đối với các chủ thể khi tham gia kinh doanh, chuyển nhượng loại tài sản này.
Nhấn mạnh các hoạt động giao dịch, đầu tư về tài sản số, tiền số diễn ra mạnh mẽ thời gian qua, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), băn khoăn khi chúng ta chưa có hành lang pháp lý để quản lý về thuế, dẫn đến thất thu trong những năm qua. Đây là xu thế không thể đảo ngược khi công nghệ ngày càng phát triển.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng nhiệm vụ xây dựng khung khổ pháp lý đối với tài sản số để một mặt bảo đảm công tác quản lý nhà nước, một mặt thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, cũng là cách bảo vệ những chủ thể tham gia thị trường.
Cho rằng không ít người sở hữu tài sản số, có thu nhập từ tài sản số, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh họ phải có trách nhiệm đóng thuế; nhà nước cần quản lý và thu thuế. Song, việc áp dụng các chính sách về quản lý cũng sẽ gặp các khó khăn nhất định, khi phải định nghĩa tài sản số là gì.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm các nước để tiếp cận từng bước. "Khi thực tiễn cho thấy đây là một nhu cầu lớn, diễn ra tương đối phổ biến thì đã đến lúc chúng ta phải có một khung khổ pháp lý và triển khai quản lý thuế, thu thuế đối với tài sản số, tiền số" - ông Đậu Anh Tuấn nhận định.
Xây dựng chính sách thuế cần thận trọng
Theo ông Phan Đức Trung, tài sản số khi được quy định trong Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ là cơ sở để hoàn thiện các chính sách khác, trong đó có thuế.
Các quy định về thuế đối với tài sản số cần được nghiên cứu, xem xét thận trọng, triển khai từng bước dựa trên thực tiễn. Ông Trung cho rằng việc quản lý thuế bảo đảm công tác quản lý nhà nước, chống thất thu, song cũng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển khi tiềm năng của lĩnh vực này là rất lớn.