Sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo tại cửa khẩu thông minh ở Lạng Sơn

Nguyễn Hải| 19/12/2023 16:58

Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, khi xây dựng cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu Hữu Nghị sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự hành không người lái AGV.

Xây dựng cửa khẩu thông minh

Ngày 19/12, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức cuộc họp báo thường kỳ quý IV năm 2023.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Vĩnh Phú, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, cho biết thời gian qua, Lạng Sơn đã xây dựng và hoàn thiện đề án về thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu Hữu Nghị.

Sau khi đề án được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Lạng Sơn sẽ xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể mô hình cửa khẩu thông minh.

Theo ông Phú, cửa khẩu thông minh sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự hành không người lái AGV, hệ thống quản lý kho có sử dụng camera thông minh.

Bên cạnh đó, Trung Quốc và Việt Nam sẽ nghiên cứu xây dựng trung tâm chỉ huy để điều phối thông minh cũng như chia sẻ, kết nối dữ liệu và các điều kiện cần thiết khác.

Cửa khẩu thông minh sẽ nâng cao năng lực thông quan, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu 2-3 lần vào năm 2027 và tăng 4-5 lần vào năm 2030.

Ông Phú khẳng định, cửa khẩu thông minh không chỉ nâng cao năng lực thông quan mà còn giảm 30-40% chi phí bến bãi, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp chuyên nghiệp, hiện đại.

Trong năm 2023, có thời điểm ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do các mặt hàng như sầu riêng tăng đột biến.

Để giải quyết tình trạng này, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và các cơ quan liên quan nghiên cứu, triển khai tiếp nhận xe container hàng tại các bãi xe, khu phi thuế quan,… hiện tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn đã chấm dứt.

Sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo tại cửa khẩu thông minh ở Lạng Sơn - 1

Quang cảnh buổi họp báo ngày 19/12 (Ảnh: Nguyễn Hải).

Theo ông Phạm Hùng Trường, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn, kinh tế cửa khẩu tiếp tục phát triển, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tỉnh Lạng Sơn đã triển khai lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đến năm 2030; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu vực cửa khẩu chính Chi Ma, huyện Lộc Bình đến năm 2045...

Đồng thời, Lạng Sơn cũng triển khai thực hiện dự án "hỗ trợ kỹ thuật xây dựng khu hợp tác thương mại, du lịch Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc)" do quỹ đặc biệt hợp tác Mê Kông - Lan Thương viện trợ.

UBND tỉnh Lạng Sơn cũng trình Thủ tướng Chính phủ đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và lối thông quan hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Lạng Sơn tăng cường trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để thống nhất các chủ trương chung về hợp tác, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.

Sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo tại cửa khẩu thông minh ở Lạng Sơn - 2

Lạng Sơn đã xây dựng và hoàn thiện đề án về thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu Hữu Nghị (Ảnh: Hải Nam).

Nhiều đổi mới, sáng tạo trong điều hành

Theo ông Trường, Lạng Sơn và Trung Quốc đã khôi phục hoạt động thông quan trở lại tại cửa khẩu Na Hình, nâng tổng số cửa khẩu hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 6 cửa khẩu.

Lượng xe thông quan qua các cửa khẩu trung bình đạt khoảng 1.100-1.350 xe/ngày.

Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh tăng mạnh so với năm 2022, ước thực hiện 4.780 triệu USD, đạt 125,8% kế hoạch, tăng 56,2%.

Ông Trường cho biết, kinh tế của tỉnh Lạng Sơn năm 2023 phát triển toàn diện, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7%.

Trong đó nông lâm nghiệp tăng 6,5%, công nghiệp - xây dựng tăng hơn 8%, dịch vụ tăng gần 7%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng gần 5,4%.

Cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 24%; công nghiệp - xây dựng chiếm gần 24%; dịch vụ 47%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,24%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 59,8 triệu đồng.

Các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, toàn diện.

Các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả.

Chánh văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn đánh giá, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp cơ bản đạt kế hoạch đề ra, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế tiếp tục được mở rộng diện tích.

UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã ban hành các văn bản để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; phân công cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ, hỗ trợ các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025, bước đầu phát huy hiệu quả.

Các cấp, các ngành đã chủ động, tích cực và có nhiều đổi mới trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Năm 2023 toàn tỉnh Lạng Sơn có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tỉnh Lạng Sơn cũng triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xuất nhập khẩu, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng năng lượng, vật tư, thuốc chữa bệnh, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, cấp bách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh có nhiều đổi mới, sáng tạo trong phương thức chỉ đạo, điều hành, giải quyết kịp thời kiến nghị của cử tri. Lạng Sơn cũng thành lập các tổ công tác để giải quyết, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các điểm nghẽn trong triển khai nhiệm vụ.

Chỉ đạo phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, biện pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công...

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo tại cửa khẩu thông minh ở Lạng Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO