SCB và chiêu bài giấu nợ xấu, danh tính đối tác

19/11/2023 08:26

Dù hầu hết các ngân hàng đều công bố báo cáo tài chính một cách chi tiết, trong đó có nợ xấu, giao dịch với các bên liên quan thì báo cáo tài chính của SCB đều không thể hiện thông tin này. Bên cạnh đó là quyền lực chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo kết quả điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an về vụ án xảy ra tại SCB và tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan (chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) dù không nắm giữ chức vụ nào tại SCB nhưng được xác định là người có quyền lực tại nhà băng này vì từ khi sáp nhập (năm 2012) đến nay bà luôn nắm cổ phần chi phối từ 85% đến 91,5%; số cổ phần còn lại.

Tổng tài sản tăng nhanh, huy động tiền rất lớn

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hiện có vốn điều lệ 20.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ của ngân hàng tăng từ 14.000 tỷ đồng vào năm 2017 lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2018 và 20.000 tỷ đồng trong năm 2019.

Từ đó đến nay, SCB giữ nguyên mức vốn điều lệ 20.000 tỷ đồng.

Trong khi các ngân hàng khác đều công bố báo cáo tài chính một cách chi tiết, trong đó có nợ xấu, giao dịch với các bên liên quan thì báo cáo tài chính của SCB qua các năm đều không thể hiện thông tin này.

Từ 2016 đến 2022, tổng tài sản của SCB tăng lên gấp hơn 2 lần. Cho đến nay, kỳ báo cáo tài chính gần nhất của SCB là quý II/2022. Tại thời điểm cuối quý II/2022 tổng tài sản của ngân hàng đạt 760 nghìn tỷ đồng, tăng 58 nghìn tỷ đồng so với đầu năm 2022. Trong khi năm 2016, tổng tài sản của SCB mới chỉ đạt hơn 360 nghìn tỷ.

Tiền gửi của khách hàng đến cuối quý II/2022 đạt 595.447 tỷ đồng, tăng 82 nghìn tỷ đồng so với đầu năm. Tổng nợ phải trả lên đến hơn 737 nghìn tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ đạt gần 23 nghìn tỷ đồng.

Kết thúc quý II/2022, báo cáo kết quả hoạt động riêng lẻ của SCB thể hiện đạt 128 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Lũy kế hai quý đầu năm, nhà băng này đạt 583 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.

So sánh kết quả kinh doanh của SCB trong 5 năm gần nhất, từ 2017 đến hết năm 2021, lợi nhuận của nhà băng này có sự trồi sụt thất thường.

Theo đó, năm 2017 lợi nhuận sau thuế của SCB đạt 104 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2016. Cũng trong năm này, tổng tài sản của ngân hàng đạt 443.226 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2016. Lượng tiền gửi của khách hàng (cá nhân và tổ chức kinh tế) là 346.887 tỷ đồng, tăng 17%.

Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng tăng đáng kể trong năm 2018, đạt 154 tỷ đồng, tăng 48%. Cũng trong năm này, tổng tài sản của ngân hàng đạt 508.165 tỷ đồng, tăng 15%, tổng lượng vốn huy động từ tiền gửi khách hàng đạt 385.616 tỷ đồng, tăng 11%.

Năm 2019, lợi nhuận sau thuế của SCB chỉ tăng nhẹ 3%, đạt 159 tỷ đồng. Trong khi đó tổng tài sản đạt 566.807 tỷ đồng, tăng 12%; tiền gửi của khách hàng tăng lên 14%, đạt 439.000 tỷ đồng.

Năm 2020 là năm kinh doanh bết bát nhất của SCB khi lợi nhuận sau thuế trong báo cáo riêng lẻ chỉ đạt vỏn vẹn 27 tỷ đồng, sụt giảm tới 83% so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do ngân hàng lỗ hơn 222 tỷ đồng từ các hoạt động khác, trong khi năm 2019 lãi hơn 1.100 tỷ đồng từ hoạt động này.

Cũng trong năm này, tổng tài sản của SCB là 632.000 tỷ đồng, tăng 12%; lượng tiền gửi của khách hàng đạt hơn 468 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2019.

Trên nền so sánh thấp của năm 2020, bước sang năm 2021, báo cáo riêng lẻ thể hiện: Lợi nhuận sau thuế của SCB tăng đột biến, đạt 1.105 tỷ đồng, tăng 3.900% so với năm 2020 nhờ thu nhập lãi thuần tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020, đạt gần 9.000 tỷ đồng, và lãi từ mua bán chứng khoán tăng gần gấp 4 lần, đạt hơn 1.600 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2021, SCB có tổng tài sản 702.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước; tổng tiền gửi của khách hàng là 513.184 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm liền kề.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính của SCB không thể hiện thông tin ngân hàng đã huy động bao nhiêu trái phiếu của các tổ chức cá nhân.

Công an kết luận gì?

Theo kết quả điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an về vụ án xảy ra tại SCB và tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan (chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) dù không nắm giữ chức vụ nào tại SCB nhưng được xác định là người có quyền lực tại nhà băng này vì từ khi sáp nhập (năm 2012) đến nay bà luôn nắm cổ phần chi phối từ 85% đến 91,5%; số cổ phần còn lại).

Với việc nắm cổ phần chi phối hoạt động, bà Trương Mỹ Lan bố trí người thân tín giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB (Hội đồng quản trị, Ban điều hành) nên mọi hoạt động của ngân hàng này "đều cơ bản phục vụ hoạt động" của bà Lan.

Bà Lan bị cáo buộc sử dụng SCB để huy động vốn, sau đó chỉ đạo người tại SCB và Vạn Thịnh Phát lập hồ sơ hợp thức hóa như một khoản vay để rút tiền. Cơ quan điều tra cho hay dù áp dụng "cách tính có lợi cho bị can" nhưng số tiền bà Lan chiếm đoạt đặc biệt lớn, lên đến 304.096 tỷ đồng của SCB. Đây được xác định là tiền người dân, khách hàng gửi.

Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, bà Lan bị cáo buộc gây thiệt hại tổng cộng hơn 415.000 tỷ đồng.

Theo Bộ Công an, từ năm 2018 đến 2020, các nghi phạm liên quan tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và một số công ty, tổ chức còn có "hành vi gian dối, làm trái quy định pháp luật" để tạo lập 25 gói trái phiếu có tổng giá trị hơn 30.000 tỷ đồng. Họ bán lô trái phiếu này nhằm mục đích huy động tiền rồi chiếm đoạt.

Ngày 26/12/2011, Thống đốc NHNN chính thức cấp Giấy phép số 283/GP-NHNN về việc thành lập và hoạt động Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trên cơ sở hợp nhất tự nguyện 3 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank). Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng hợp nhất) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2012.
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
SCB và chiêu bài giấu nợ xấu, danh tính đối tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO