Chị P.T.M, phụ huynh học sinh tại Trường Tiểu học V.G cho biết, lớp con chị vừa hủy kế hoạch dã ngoại cuối năm dù trước đó ban đại diện cha mẹ học sinh đã lên lịch trình chi tiết.
"Mặc dù đây chỉ là chuyến cắm trại ở ngoại thành Hà Nội song nhiều phụ huynh bị ảnh hưởng tâm lý sau vụ tai nạn đau lòng, tạm thời không muốn các con đi chơi", chị M. chia sẻ.
Cùng theo lời chị M., các lớp khối 4-5 của trường hủy lịch dã ngoại rất nhiều.
"Một phần ban đại diện cha mẹ học sinh không thể gánh vác trách nhiệm nếu chuyến đi có sự cố gì. Một phần là nhiều cha mẹ bây giờ mới thực sự quan tâm tới vấn đề an toàn của mỗi chuyến đi, dù là đi gần hay đi xa.
Riêng lớp con tôi, các phụ huynh thống nhất cần có một bộ tiêu chuẩn các nguyên tắc an toàn và phòng ngừa rủi ro phải tuân thủ trong mỗi chuyến đi.
Một năm không đi chơi không ảnh hưởng gì tới các con cả. Mình cẩn thận chuẩn bị để năm sau có chuyến đi vui vẻ, an toàn hơn", chị M. cho hay.
Chị N.T.H (Mỹ Đình, Hà Nội) lại có suy nghĩ khác. Là thành viên trong ban đại diện cha mẹ học sinh, chị thuyết phục các cha mẹ giữ kế hoạch dã ngoại trên tinh thần chỉ cần 2/3 số học sinh tham gia là sẽ tổ chức.
"Rủi ro thì đi đâu cũng có rủi ro. Cần xem xét nhiều yếu tố khác như điểm đến, lịch trình, chứ không thể hủy một chuyến đi chỉ vì có tai nạn ở một chuyến đi khác. Các con cũng đã được thông báo sẽ đi chơi cách đây hai tuần và rất háo hức chờ đợi", chị H. bày tỏ.
Lớp con chị H. sẽ đi dã ngoại tại một khu sinh thái ở Sóc Sơn (Hà Nội). Quãng đường di chuyển khoảng 30km. Lịch trình ban đầu có nội dung vui chơi ở bể vầy và bể bơi. Song sau tai nạn bắt ngao ở Cồn Lu, Vườn Quốc gia Xuân Thủy, mục "nước" bị cắt khỏi lịch trình.
Chị H. chia sẻ: "Khu cắm trại có cả bể bơi và bể vầy. Trên lý thuyết, cả hai khu vực này đều an toàn. Mỗi khu vực đều có từ 2-3 nhân viên cứu hộ. Mỗi học sinh lại có một phụ huynh đi kèm. Tuy nhiên do tâm lý sợ nước sau tai nạn bắt ngao, các phụ huynh thống nhất cắt bỏ mọi hoạt động có nước".
Việc nhiều lớp học tại các trường thay đổi kế hoạch dã ngoại khiến chị H.T.T khó khăn trong việc tìm địa điểm để liên hoan cuối năm cho lớp con gái. Mất hàng chục cuộc gọi, chị T. mới tìm được một nhà hàng còn trống bàn vào tối thứ 3 tuần sau.
"Như mọi năm, tôi chỉ cần đặt trước 2 ngày và luôn có bàn vào tối cuối tuần phục vụ cho khoảng 50 phụ huynh và học sinh.
Nhưng năm nay các nhà hàng lớn ở khu vực Mỹ Đình, Cầu Giấy đều kín chỗ đến hết tháng 5. Các lớp muốn tổ chức bắt buộc phải đặt lịch trong tuần", chị T, cho biết.
Lớp con chị T. hủy kế hoạch dã ngoại cách đây 1 tuần. Lý do không liên quan tới tai nạn bắt ngao mà vì thời tiết quá nắng nóng.
"Với thời tiết này, nếu đi dã ngoại, các con dễ ốm mà phụ huynh đi cùng cũng mệt mỏi. Hơn nữa, các con đều muốn cô giáo tham gia cùng trong khi cô sẽ từ chối nếu đi dã ngoại.
Ban đại diện cha mẹ học sinh lấy ý kiến tập thể lớp và quyết định cho các con đi nhà hàng. Cô giáo và các con tự thiết kế một chương trình team building rất thú vị.
Tôi nghĩ hoạt động như vậy sẽ ý nghĩa và vui không kém gì cho các con đi chơi ngoài trời, lại ít rủi ro liên quan tới sức khỏe", chị T. chia sẻ quan điểm.
Liên quan tới tai nạn trải nghiệm bắt ngao tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy cũng như phong trào tổ chức dã ngoại cuối năm cho học sinh, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết Sở từng có nhiều văn bản liên quan đến công tác đảm bảo an toàn cho phụ huynh và học sinh trong việc tổ chức dã ngoại.
Khi sự việc xảy ra, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề nghị các trường trực thuộc, các quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm.
Sở cũng khuyến cáo các đơn vị không nên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, dã ngoại mang tính tự phát.
Trước đó, vào tháng 4/2022, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng ban hành công văn số 1123/SGD&ĐT-CTTT-KHCN về việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh an toàn trường học, giáo dục an toàn giao thông phòng, chống tai nạn thương tích và tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh.
Theo đó, nhà trường chỉ được tổ chức các hoạt động ngoại khóa khi có sự thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh, gửi hồ sơ về Sở GD&ĐT trước ít nhất 7 ngày tổ chức hoạt động và được cấp quản lý trực tiếp đồng ý.