Nơm nớp lo sợ khi sống dưới chân núi Cấm
Gần 2 năm trôi qua, người dân ở thôn Chánh Thắng (xã Cát Thành, huyện Phù Cát, Bình Định) vẫn chưa hết lo lắng, bởi trận sạt lở đất xảy ra tại khu vực núi Cấm hồi tháng 11/2021. Đặc biệt, thời điểm này, ở Bình Định bắt đầu vào mùa mưa, khiến người dân luôn lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Loan (73 tuổi) nhớ lại sự việc cách đây gần 2 năm: "Hôm đó, vợ chồng tôi đang nằm ngủ bất ngờ nghe tiếng động lớn, sau đó, đá trên núi lăn xuống ầm ầm, nước đổ xuống như thác kéo bùn đất đổ xuống ngập vào sân nhà. Bùn đất chảy vào nhiều nhà ngập 50-60cm, làm nhiều vật dụng bị hư hỏng".
Theo bà Loan, không biết vì sao người dân gọi là núi Cấm, nhưng từ thời xưa, khu vực núi này tuyệt đối không có người dân nào chặt cây phá cây rừng. Tuy nhiên, sau này, nhiều người lên núi trồng bạch đàn, keo lai rồi đưa máy móc lên mở đường khai thác nên mới xảy ra sạt lở.
Còn bà Lê Thị Lấn (71 tuổi) cho biết sau khi núi Cấm bị sạt lở, cứ mưa lớn kéo dài liên tục là gia đình bà không dám ở trong nhà vì nước chảy xuống trực diện.
"Địa phương đã làm tuyến mương phía dưới chân núi nên cũng đỡ lo, nhưng mưa lớn kéo dài vẫn sợ những tảng đá trơ trọi trên núi sạt lăn xuống nên tôi không dám ở trong nhà. Nhà tôi nằm trong diện bố trí đến khu tái định cư nhưng cũng chưa nghe nói thông tin gì", bà Lấn nói.
Ông Mai Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành, cho hay theo kế hoạch, giai đoạn đầu di dời, tái định cư cho 64 hộ nhưng do một số vướng mắc nên chưa thực hiện được. Vì vậy, địa phương đã chuẩn bị các phương án sơ tán khẩn cấp khi có mưa bão. Nếu có mưa lớn liên tục 100-150mm, sẽ đưa 40 hộ sát chân núi tới điểm trường Tiểu học Cát Thành, nhà văn hóa thôn hoặc ở tạm xen ghép với các hộ dân trong khu vực an toàn.
Tính mạng người dân là quan trọng nhất
Theo UBND huyện Phù Cát, đến nay hạng mục chỉnh trị dòng chảy thoát nước đã được đầu tư hoàn chỉnh xong, tuy nhiên lãnh đạo huyện Phù Cát nhận định, nếu mưa rất lớn thì nguy cơ cũng còn cao, có 40 hộ nằm trong diện ảnh hưởng. Về nguyên nhân chậm hoàn thành khu tái định cư cho người dân sạt lở núi Cấm là do vướng mỏ đất.
Trước đó, tại buổi kiểm tra thực tế tại núi Cấm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu UBND huyện Phù Cát phải xem việc đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng nhất.
"Trước mắt, địa phương theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thông báo cho bà con biết để chủ động ứng phó, đồng thời xây dựng phương án di dời dân cụ thể, sát với thực tế. UBND huyện Phù Cát cần đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, không để dự án khu tái định cư chậm trễ hơn nữa", ông Tuấn nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở NN&PTNT kiểm tra, rà soát các điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh, những hộ dân sinh sống ở vùng bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời đến nơi an toàn và đôn đốc các địa phương thực hiện.
Sau khi di dời người dân đến nơi an toàn thì quản lý đất, không để bà con quay lại cư trú tại những khu vực đã thu hồi đất. Đặc biệt, toàn bộ các khu vực bị sạt lở trên địa bàn tỉnh, trong đó có khu vực Núi Cấm, đều phải đưa vào trồng rừng phòng hộ và quản lý tốt.