Cải thiện và quảng bá hình ảnh
Bloomberg nhận định, Qatar gây tranh cãi ngay từ đầu khi nhận được quyền đăng cai FIFA World Cup 2022 vì nhiều yếu tố. Vào thời điểm cách đây 12 năm, quốc gia này chỉ có một sân vận động cũ kỹ, vài khách sạn và kinh nghiệm du lịch đại chúng gần như bằng 0.
Nhưng Qatar không có gì ngoài khoản tiền khổng lồ. Là quốc gia giàu có, Qatar thách thức quan điểm "tiền không mua được tất cả", để rồi sở hữu một câu lạc bộ bóng đá Pháp và tổ chức World Cup.
Hơn một thập kỷ trôi qua, với việc đầu tư 300 tỷ USD, đất nước nhỏ bé này có thêm 7 sân vận động, 20.000 phòng khách sạn, một tuyến metro và hơn 1.770 km đường mới.
Đó là nỗ lực đầu tư và xây dựng không ngừng nghỉ. Vậy câu hỏi được giới chuyên môn đặt ra là, "ván bạc hàng trăm tỷ USD" của Qatar thua hay thắng?
Theo ông John McManus, tác giả cuốn "Inside Qatar", thừa nhận rất khó để nước này thu lợi ích đáng kể từ World Cup, nhưng so với các nước chủ nhà trước đó, Qatar có thể hưởng lợi nhờ việc cải thiện hình ảnh trên thế giới.
Danh tiếng là điều khiến nhiều người Qatar thấy hài lòng nhất, vì tên quốc gia của họ đã phổ biến rộng khắp thế giới. Trước đó, thậm chí nhiều người không biết tới sự tồn tại của đất nước có diện tích khiêm tốn này, thì nay World Cup đã góp phần quảng bá hình ảnh, thu hút du khách tới thăm.
Việc Qatar sẵn lòng đầu tư hàng trăm tỷ USD cho World Cup 2022 nhưng chủ yếu để xây dựng cơ sở hạ tầng, thể hiện rõ nỗ lực của quốc gia này mong muốn giảm sự phụ thuộc vào dầu khí, qua đó phát triển du lịch. Qatar đang hướng tới mục tiêu đón 6 triệu khách quốc tế vào năm 2030, con số cao gấp 3 lần so với năm 2019.
"World Cup chính là cách quảng bá độc đáo để đưa hình ảnh Qatar như một điểm đến du lịch", một quan chức nước này chia sẻ.
Suốt một tháng giải đấu diễn ra, những tòa nhà, trung tâm thương mại vốn vắng vẻ, thì nay phải "căng mình" chứa hàng trăm nghìn người hâm mộ cùng lúc. Việc khách du lịch từ khắp nơi đổ dồn về khiến giá thuê nhà tăng 20-30%. Thậm chí, một số khách sạn phải yêu cầu khách quen rời đi, nhường chỗ cho người hâm mộ.
"Tiệc tàn", Qatar còn lại gì?
"Tôi luôn nói với mọi người về nỗi lo khi World Cup 2022 kết thúc. Khi đó, chúng ta sẽ trở lại bình thường", ông Berthold Trenkel, Giám đốc vận hành của Qatar Tourism, nói.
Không phải đợi tới lễ bế mạc, trước khi trận chung kết diễn ra, thủ đô Doha đã vắng vẻ hơn, đồng nghĩa với việc ít du khách ở lại hơn trước.
Trong cuộc chạy đua "điên cuồng" để hoàn thành việc xây dựng khách sạn trước thềm World Cup, nhiều dự án đã hoàn thành, nhưng cũng nhiều hạng mục thì không.
Khách sạn sang trọng Andaz Doha dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022, nhưng sự chậm trễ của chuỗi cung ứng khiến nó không thể mở cửa đón khách đúng hạn cho tới hết năm 2023. Điểm tham quan trên đảo Gewan nhân tạo vẫn đóng cửa. Điều này đồng nghĩa với việc những điểm đến này bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền từ World Cup.
Theo các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Lausanne, trong số 14 kỳ World Cup từ năm 1964 đến 2018, chỉ duy nhất World Cup 2018 tại Nga mang lại cho nước chủ nhà khoản lãi 235 triệu USD, nhưng con số này không đáng kể.
Ông Andrew Zimbalist - giáo sư kinh tế tại Đại học Smith, nhận định, ngoài sân vận động, các dự án cơ sở hạ tầng như sân bay là "khoản đầu tư đáng giá vì sau World Cup vẫn được sử dụng lâu dài". Còn số tiền Qatar thu lại rất ít.
"FIFA thu tiền bản quyền truyền hình, doanh thu bán vé và gần như toàn bộ tiền tài trợ, Dự kiến FIFA thu về 4,7 tỷ USD phần lớn đến từ kỳ World Cup ở Qatar. Với chi phí hoạt động khoảng 1,7 tỷ USD, cơ quan này rời đi với doanh thu 3 tỷ USD, còn Qatar thua lỗ", vị giáo sư này đưa ra nhận định.