Sáu thập kỷ vì Cộng đồng hòa thuận, hòa hiếu và bền vững

Phương Hằng| 05/09/2023 14:28

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, cho rằng ASEAN hội tụ mọi điều kiện để hướng tới một Cộng đồng tầm vóc và là tâm điểm của tăng trưởng.

Trong khuôn khổ AMM 56, Đại sứ Vũ Hồ, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam tham dự cuộc họp SOM ASEAN và Ban điều hành SEANWFZ. (Nguồn: Báo TG&VN)
Đại sứ Vũ Hồ (thứ năm từ trái) cùng các đại biểu tham dự cuộc họp SOM ASEAN và Ban điều hành Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) tại Jakarta, Indonesia ngày 10/7/2023.

Là người trực tiếp làm công việc về ASEAN, hiểu ASEAN có gì và cần gì, điều khiến ông tự hào và an tâm nhất về ASEAN giữa thế giới biến động và tồn tại nhiều rủi ro như hiện nay là gì?

Hơn nửa thế kỷ trước, ASEAN ra đời, là chỉ dấu cho một Đông Nam Á mới; độc lập, tự chủ và tự cường thành giá trị chung. Phương cách mới trong quan hệ giữa các quốc gia láng giềng cũng theo đó thành hình. Đối thoại, hợp tác thành công cụ chính cho hòa bình, ổn định vì phát triển và phồn vinh. Nhìn lại lịch sử, có thể thấy rõ giá trị của sự kiện này.

Chủ nghĩa thực dân kết thúc, các nước lần lượt giành độc lập. Chuyển mình từ địa bàn các nước lớn khai thác và tranh giành thành những quốc gia non trẻ tự quyết định con đường phát triển. Đoàn kết lại, chia sẻ những mục tiêu chung, là câu trả lời cho những băn khoăn thời kỳ này; đây là căn nguyên ASEAN ra đời.

Tuy vậy, câu trả lời không xuất hiện một sớm một chiều. Chiến tranh Lạnh chia rẽ Đông Nam Á. Nghi kị tràn lan, ngờ vực phổ biến, ASEAN chưa thể toàn vẹn. Chỉ đến khi Việt Nam, và lần lượt là Lào, Campuchia, Myanmar tham gia, ASEAN mới trở thành thể thống nhất. Kể từ đó, ASEAN đã bước lên con đường mới, không những chia sẻ các mục tiêu chung mà còn chia sẻ cả những giá trị chung và cùng nhau gánh vác công việc chung.

Trong suốt 30 năm tính từ thập niên 90 của thế kỷ trước, ASEAN trải nhiều sóng gió, bão tố không ngừng, cả thiên tai, dịch bệnh lẫn khủng hoảng kinh tế, tài chính. Nhưng Hiệp hội vẫn đứng vững, hình ảnh ngày càng sáng, vị thế ngày càng lên, vai trò ngày càng tăng. Đến nay, ASEAN đã trở thành “động lực phát triển”, là “hạt nhân” trong xây dựng hòa bình khu vực.

Vậy nhưng, ASEAN không tự thỏa mãn với những thành quả đạt được, mà vẫn tiếp tục phấn đấu. Xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025, nâng cấp quan hệ với các đối tác, cải tiến quy trình làm việc đang là những nội dung thu hút sự quan tâm của các nước thành viên. Đây cũng là bước đi hướng tới ASEAN đoàn kết hơn, hiệu quả hơn trước những phức tạp, thách thức của thời đại.

Tựu chung lại, xét quá khứ, nhìn tương lai, hoàn toàn có thể tin ASEAN có đầy đủ điều kiện để đứng vững trước mọi biến động.

ASEAN có lẽ đã đủ mạnh mẽ để có những “khát vọng xứng tầm”, ông có thể phân tích những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho mục tiêu ngày càng lớn đó – một ASEAN tầm vóc?

Như đã đề cập, ASEAN tồn tại và phát triển hơn nửa thế kỷ. Trải nhiều biến cố, vượt nhiều thách thức, đạt nhiều thành quả, ASEAN nay đã trở thành nhân tố trung tâm trong khu vực. Quả thật, nói tới Đông Nam Á là nói tới ASEAN.

Trong quá trình vươn lên đạt tới tầm vóc ngày nay, có lẽ cả ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã hình thành tam giác đều, giúp ASEAN đứng vững.

Trải hàng trăm năm, mãi tới những năm 60 của thế kỷ XX, các nước trong khu vực mới dần tìm thấy con đường cho mình, đó chính là chung tay xây dựng cộng đồng Đông Nam Á hòa thuận, hòa hiếu và hòa bình. Chiến tranh Lạnh kết thúc, những nghi kị giữa các nước thành viên cũng theo đó dần triệt tiêu, lòng tin tăng nhanh, hội nhập sâu rộng hơn, gắn kết chặt chẽ hơn, quan hệ mở rộng hơn là đặc điểm chính của ASEAN trong vài thập kỷ gần đây. Có thể nói đây chính là yếu tố “thiên thời” cho ASEAN.

Xây dựng thành công Cộng đồng, với những nguyên tắc, phương cách riêng, ASEAN đã dần “thu phục” cảm tình và cả sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế; ngày càng nhiều nước tìm đến để hợp tác với ASEAN. Chỉ riêng những con số như 51 nước tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC); hệ thống 7 thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với các đối tác vừa cho thấy sự chủ động thích ứng cũng là minh chứng rõ nét về ý nghĩa và vai trò của ASEAN với cộng đồng quốc tế. Yếu tố “nhân hòa” được thể hiện rõ qua những chỉ dấu trên đây.Tuy vậy, những yếu tố này chỉ là điều kiện cần, để phát triển cần nỗ lực hơn.

Với hơn 600 triệu người dân, GDP lên tới 3.000 tỷ USD, tăng trưởng liên tục trong 10 năm trở lại, ASEAN là thị trường đầy tiềm năng. Tận dụng được lợi thế, nắm bắt được thời cơ, nhanh chóng hòa nhịp đập thời đại là những nhiệm vụ của ASEAN ngày nay, là đáp án về “tâm điểm tăng trưởng”.

Thời cuộc biến động, không tự hoàn thiện sẽ không còn chỗ đứng, ASEAN hiểu rõ quy luật này. Nhanh nhạy hơn, quyết đoán hơn là yêu cầu sống còn nhưng phải được triển khai bài bản, khoa học, hợp tình và hợp lý. Để được như vậy, các quy trình, thủ tục của ASEAN cũng cần được cải tiến phù hợp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản như đồng thuận, tiệm tiến và thoải mái cho các bên tham gia.

Với nhận thức này, cùng với xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025, ASEAN nhất trí với những định hướng mới cho phong cách làm việc, trong đó có cả quy trình ra quyết định. Lãnh đạo ASEAN tin rằng những bước đi này sẽ giúp ASEAN “tầm vóc” hơn.

Có thể đánh giá rằng, ASEAN hội mọi điều kiện để hướng tới một Cộng đồng “tầm vóc” và là “tâm điểm của tăng trưởng”. Nhưng mong muốn này thành hiện thực hay không phụ thuộc nhiều vào nỗ lực chung cũng như của từng thành viên.

“Xét quá khứ, nhìn tương lai, hoàn toàn có thể tin ASEAN có đầy đủ điều kiện để đứng vững trước mọi biến động”.

Xin ông chia sẻ về những trọng tâm quan trọng của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 đang diễn ra?

Cấp cao ASEAN luôn là hoạt động lớn. Theo truyền thống, đông đảo lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác tham dự “ngày hội khu vực” này và trong một tuần diễn ra các sự kiện đa dạng, hoạt động dày đặc, nội dung phong phú.

Chủ đề ASEAN 2023 là “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”. Dựa trên chủ đề này, các nhà lãnh đạo sẽ trao đổi về những vấn đề chiến lược tác động đến khu vực, xem xét và chỉ đạo về tiến trình phát triển cộng đồng, định hướng quan hệ đối ngoại và trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế.

Với Cộng đồng, phương thức tăng trưởng có lẽ sẽ là chủ đề trung tâm. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới phương thức kết nối, mở rộng thị trường, hướng tới ASEAN năng động, phát triển bền vững sẽ được các nhà lãnh đạo dành nhiều thời gian trao đổi.

Với đối tác, ASEAN sẽ truyền đi thông điệp về một Đông Nam Á độc lập, tự chủ và hòa hiếu. ASEAN sẵn sàng đối thoại thẳng thắn, kết nối hiệu quả, hợp tác chân thành với bạn bè thế giới. Tinh thần này sẽ được thể hiện với từng đối tác cũng như tại các hoạt động có thành phần đa dạng tham gia như ASEAN + 3, Cấp cao Đông Á…

Nhận thức rõ về một khu vực có tính kết nối rất cao, lãnh đạo các nước cũng sẽ bàn thảo về tình hình quốc tế và khu vực. Các vấn đề đang nổi lên, những “điểm nóng” cũng sẽ được đề cập đầy đủ, cụ thể tại những diễn đàn khác nhau.

“Việt Nam sẽ đóng góp vào thành công các Hội nghị trong khuôn khổ Cấp cao 43; đề cao đối thoại chân thành, hợp tác tích cực, lấy lập trường chung của ASEAN làm cơ sở”.

Việt Nam, vẫn với tinh thần chủ động, tích cực xuyên suốt, sẽ mang đến những thông điệp gì dịp này, thưa ông?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia các Hội nghị mang theo những mục tiêu và thông điệp lớn lao.

Trước hết, đây là bước triển khai đường lối đối ngoại, truyền tải thông điệp của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đến bạn bè khu vực và quốc tế về một Việt Nam hòa hiếu, hợp tác và hội nhập.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ “Việt Nam sẽ tham gia tích cực hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn vào các tiến trình khu vực”, đoàn Việt Nam sẽ cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng ở khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các nước để thúc đẩy quan hệ và trao đổi những vấn đề cùng quan tâm.

Với những thông điệp này, Thủ tướng Chính phủ cùng các nước trao đổi về phương thức củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột, mang lại lợi ích thiết thực, bao trùm và toàn diện cho người dân. Những phương thức đó sẽ được thể hiện qua những đề xuất cụ thể của Việt Nam về tầm quan trọng của kinh tế số, của tăng trưởng xanh, của phát triển bền vững.

Một lần nữa, Việt Nam sẽ đóng góp vào thành công các Hội nghị; đề cao đối thoại chân thành, hợp tác tích cực, lấy lập trường chung của ASEAN làm cơ sở. Thông qua cách tiếp cận hài hòa, cân bằng trong trao đổi, linh hoạt, khéo léo trong ứng xử, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu sẽ một lần nữa góp phần phát huy được vai trò, đề cao được vị thế và nâng cao được hình ảnh của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sáu thập kỷ vì Cộng đồng hòa thuận, hòa hiếu và bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO