Sau SEA Games 31, thể thao Việt Nam tập trung đầu tư cho ASIAD, Olympic

MINH TRIẾT| 24/05/2022 20:18

SEA Games 31 đã mang đến những tín hiệu tích cực cho thể thao Việt Nam, nhưng sẽ cần đầu tư nhiều hơn và có trọng điểm để hướng đến ASIAD và Olympic.

Sau SEA Games 31, thể thao Việt Nam tập trung đầu tư cho ASIAD, Olympic
Ông Trần Đức Phấn (cầm cờ) và những vận động viên tiêu biểu của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Ảnh: M.Đ

SEA Games 31 đã chính thức khép lại, chủ nhà Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn với 446 bộ huy chương, trong đó có 205 huy chương vàng, phá kỷ lục về số huy chương tại một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á.

Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất của Chủ nhà Việt Nam trước kỳ SEA Games 31 không phải thứ hạng toàn đoàn, mà là tập trung vào các môn Olympic để góp phần định hướng lại xem khả năng của Việt Nam hướng đến đấu trường thể thao châu lục và quốc tế như thế nào.

Từng trao đổi với Lao Động, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao Trần Đức Phấn khẳng định qua việc thi đấu tại SEA Games 31, ngành thể thao mong muốn có đánh giá bước đầu về thực lực, năng lực của các vận động viên, đặc biệt với nhóm các môn ở ASIAD và Olympic để tiến hành sàng lọc và có chiến lược đầu tư phù hợp nhằm phát triển thành tích trong tương lai.

Từ phải qua trái, Nguyễn Thị Oanh (điền kinh) và Huy Hoàng (bơi lội) cùng
Từ phải qua trái, Nguyễn Thị Oanh (điền kinh) và Huy Hoàng (bơi lội) được vinh danh vận động viên xuất sắc nhất SEA Games 31. Ảnh: SG2021

Xét về phương diện này, kỳ SEA Games 31 với đoàn thể thao Việt Nam có thể xem là khá thành công. Ở các môn/nội dung có trong chương trình thi đấu Olympic Paris 2024, đoàn thể thao Việt Nam giành 119 huy chương vàng, chiếm tỉ lệ 58% so với tổng số huy chương vàng giành được. Đặc biệt, những môn thể thao được đầu tư trọng điểm như bơi lội (11 HCV), điền kinh (22 HCV), thể dục dụng cụ (7 HCV),... các vận động viên đều thể hiện tốt, mang về thành tích cao.

Những môn võ như Taekwondo (9 HCV), Judo (9 HCV), vật (17 HCV) vẫn là thế mạnh của đoàn Việt Nam ở khu vực và có tiềm năng tranh chấp thành tích ở cấp cao hơn. Ngoài ra, những bộ môn như Rowing (8 HCV) hay Canoeing (8 HCV) cũng đang cho thấy sự tiến bộ nhanh, song khoảng cách trình độ ở môn này giữa khu vực và đấu trường Olympic còn khá xa.

Trong buổi họp tổng kết SEA Games 31, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn nhận định các vận động viên nhóm môn Olympic đã thi đấu tốt ở kỳ đại hội này, cơ bản đạt 80% yêu cầu. Vẫn có những môn được đưa vào chiến lược nhưng chưa đạt thành công như kỳ vọng là bắn cung, do đó cần tìm căn nguyên gốc rễ để cải thiện. Đó là cách để chuẩn bị cho những đấu trường ASIAD, Olympic.

"Trong kế hoạch đã được xây dựng từ trước, Việt Nam sẽ tập trung đầu tư cho một nhóm khoảng 30 vận động viên để thành tích hiện tại và cũng là chuẩn bị cho tương lai với Olympic 2024. Chúng ta chỉ đặt mục tiêu từ 3-5 HCV trong nhóm 30 vận động viên ấy. Về ASIAD, Trung Quốc đã hoãn nên chưa biết kế hoạch tổ chức cụ thể", ông Phấn chia sẻ.

 
Các môn võ, đối kháng là sở trường của Việt Nam ở khu vực nhưng vẫn còn khó khăn trong việc tranh chấp huy chương Olympic. Ảnh: AFP

Hơn nữa, cần có sự phân định rõ ràng giữa ASIAD và Olympic, bởi giữa 2 đầu trường này sự chênh lệch. Theo ông Phấn, rất khó để kiếm vận động viên có thể đi Olympic chứ chưa nói đến giành huy chương. Ví dụ, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng có thể cạnh tranh ở ASIAD nhưng mục tiêu giành vàng ở Olympic là quá khó khăn. "Các môn đối kháng, võ thuật ra sân chơi ASIAD rất khó giành HCV, Olympic càng không có cửa. Ngay đến Vật Việt Nam giành tới 17 HCV SEA Games nhưng ra châu lục chưa là gì".

Nếu đặt tầm mắt ở ASIAD, ông Phấn tin Việt Nam hoàn toàn có thể lấy được 10 huy chương vàng nếu đầu tư mạnh và có trọng điểm về cả nguồn lực lẫn con người. Yếu tố nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất của thể thao Việt Nam còn nhiều hạn chế nên các vận động viên sẽ còn phải cố gắng rất nhiều so với các nước bạn.

"Số các vận động viên Singapore tham dự SEA Games ít, nhưng thành tích ở các môn Olympic lại rất tốt. Ở ASIAD và Olympic, Việt Nam ít huy chương hơn Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia và Singapore. Các quốc gia này đã tập trung đầu tư có trọng điểm từ lâu, nên nếu chúng ta không thay đổi cách đầu tư thì rất khó hướng tới ASIAD và Olympic", ông Phấn nói thêm.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sau SEA Games 31, thể thao Việt Nam tập trung đầu tư cho ASIAD, Olympic
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO