Sự kiện: 79 năm ngày truyền thống ngành TT&TT
Bài học lựa chọn đúng và đi đầu công nghệ
Những năm 1990-1991 là giai đoạn chuẩn bị cho ngành bưu chính viễn thông bước vào thời kỳ tăng tốc. Đầu tư nước ngoài phát triển mạnh. Nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin di động bắt đầu xuất hiện, nhất là thị trường TP.HCM. Lúc đó, Tổng cục Bưu điện bắt đầu nghiên cứu đưa thông tin di động vào Việt Nam và tiếp xúc với một số đối tác để chuẩn bị triển khai như SingTel, Acatel, Siemens, Ericsson…
Từ 1991 đến 1993 đã xuất hiện công nghệ di động tế bào công nghệ số GSM, được triển khai nhiều tại châu Âu. Song công nghệ này còn đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa được thương mại hoá rộng rãi. Tổng cục Bưu điện đứng trước tình huống: Nhu cầu thông tin di động đã xuất hiện nhưng câu hỏi đặt ra là lựa chọn công nghệ nào phù hợp với Việt Nam?
Ngay tại thời điểm đó, 95-97% mạng viễn thông thế giới vẫn là analog và các hãng vẫn tiếp tục sản xuất các thiết bị này. Một số nước bắt đầu chuyển sang số hóa và họ sẵn sàng bán lại kỹ thuật cho mình. Lúc bấy giờ, do Việt Nam rất nghèo và viễn thông chưa phát triển nên lãnh đạo Tổng cục đã phải có nhiều cuộc thảo luận và phân tích để chọn con đường nào tốt nhất. Cuối cùng là quyết định đi thẳng vào con đường số hóa.
Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, lúc ấy, ngành Bưu chính Viễn thông quyết định chọn công nghệ số để thẳng tiến tới công nghệ hiện đại và đồng bộ mạng lưới từ nội hạt, truyền dẫn đều sử dụng công nghệ số. Vì vậy, công nghệ thông tin di động được chọn lựa là công nghệ số GSM.
Quyết tâm là vậy, song thực tiễn rất khó khăn do công nghệ này đang gặp trở ngại trong thương mại hóa, thiết bị đầu cuối chưa hoàn thiện và giá cực kỳ đắt, tới hàng nghìn USD/chiếc.
Khi đó, một số ý kiến đề xuất nên chọn công nghệ di động vệ tinh toàn cầu với ưu điểm là đi khắp nơi trên thế giới đều có thể sử dụng được cho dù thiết bị đầu cuối to hơn các công nghệ khác một chút.
Phải thừa nhận công nghệ di động vệ tinh lúc đó có rất nhiều ưu thế và Tổng cục Bưu điện đã nghiên cứu đến công nghệ này. Ngoài những yếu tố về thị trường, công nghệ, thiết bị đầu cuối thì vấn đề được đưa ra cân nhắc là nếu chọn mạng GSM sẽ quản lý tốt hơn là triển khai mạng di động vệ tinh. Vì vậy, quan điểm của Tổng cục Bưu điện là vẫn phải xây dựng mạng di động thông tin mặt đất GSM. Sau này, chính sự thận trọng đã giúp chúng ta tránh được rủi ro khi công nghệ di động vệ tinh thất bại.
Ông Mai Liêm Trực khẳng định: “Khi Việt Nam triển khai mạng 2G GSM thì trên thế giới chỉ có một vài nước Bắc Âu tiến hành. Vì vậy, Việt Nam là là quốc gia trong nhóm đầu tiên trên thế giới triển khai 2G”.
Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia sản xuất thiết bị 5G
Đi đầu và chọn đúng về công nghệ đã đem lại cuộc cách mạng cho viễn thông Việt Nam thập niên 90. Đây chính là bài học quý giá cho viễn thông Việt Nam đã và đang được các thế hệ sau viết tiếp câu chuyện này.
Bộ TT&TT cho hay, ngày 17/1/2020, cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất, được thực hiện thành công. Như vậy, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.
Việc Viettel cho thử nghiệm thành công mạng 5G, với phạm vi phòng thí nghiệm năm 2019, đã đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia thử nghiệm thành công 5G. Tiếp đó, với việc sản xuất thành công thiết bị đầu cuối 5G đã tiếp tục đưa Viettel vào top 6 công ty viễn thông cung cấp được thiết bị 5G trên thế giới, bên cạnh Ericsson, Samsung, Huawei,... Và đặc biệt hơn chính là việc Viettel là nhà mạng viễn thông duy nhất trong 6 công ty trên. Viettel hiện là doanh nghiệp duy nhất trên thế giới vừa là nhà khai thác mạng viễn thông vừa nghiên cứu sản xuất thiết bị.
Đến tháng 9/2021, Viettel đã thử nghiệm công nghệ 5G với tốc độ lên tới 4,7Gb/giây. Tốc độ này cao gấp 40 lần tốc độ 4G và gấp hơn 2 lần tốc độ 5G hiện có, giúp Viettel trở thành một trong những mạng viễn thông có tốc độ 5G nhanh nhất châu Á.
Mới đây, Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, các sản phẩm của Viettel đã được công nhận gồm thiết bị mạng viễn thông 5G (mạng thu phát sóng vô tuyến 5G gNodeB, mạng lõi, thiết bị truyền dẫn) và chip xử lý trong thiết bị 5G.
Cùng với quyết định trên, các sản phẩm này sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với hoạt động sản xuất sản phẩm CNTT trọng điểm.
Thời gian qua, Viettel đã có chiến lược dần thay thế các thiết bị ngoại nhập và tiến tới sử dụng toàn bộ hệ thống mạng lõi viễn thông bằng các thiết bị tự sản xuất. Việc sử dụng các thiết bị mạng Make in Viet Nam sẽ góp phần giúp Việt Nam làm chủ công nghệ, giảm phụ thuộc vào nước ngoài và tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.
Việc làm chủ này có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam chủ động đi đầu cùng với thế giới về mặt công nghệ. Đây là bước tiến quan trọng để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo tốt về an ninh - quốc phòng.
Việt Nam muốn dẫn đầu về 6G
Khi thế giới dần thích nghi với công nghệ 5G, những cặp mắt nhìn xa trông rộng của ngành công nghệ lại đang đặt vào biên giới tiếp theo là mạng 6G. Dù 6G phần lớn đang dừng ở khái niệm và dự kiến sớm nhất năm 2030 mới triển khai thương mại, nhưng công nghệ này hứa hẹn sẽ định nghĩa lại các giới hạn của công nghệ không dây, cung cấp tốc độ nhanh hơn, độ trễ thấp hơn và độ tin cậy cao hơn. Vì vậy, nhiều nước đang tích cực phân bổ nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển 6G, nhằm giữ vị thế tiên phong trong công nghệ mang tính cách mạng này. Những quốc gia háo hức đi đầu trong 6G có thể kể đến như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu.
Tại Việt Nam, Bộ TT&TT vừa quyết định thành lập Nhóm phát triển thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm - Ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G. Một trong những nội dung sẽ được nhóm công tác này tập trung triển khai là nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy phát triển thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm; nghiên cứu, rà soát và đề xuất các quy định về quản lý thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm để thúc đẩy triển khai 6G.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, hiện nhiều cường quốc trên thế giới đang bắt tay nghiên cứu 6G. Việt Nam đặt ra mục tiêu đi cùng thế giới về 6G, cụ thể là cùng nghiên cứu, cùng sản xuất, cùng triển khai.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ nghiên cứu, đóng góp vào tiêu chuẩn 6G của thế giới. Bộ TT&TT và các doanh nghiệp cùng tham gia nghiên cứu, thúc đẩy phát triển công nghệ này. Nhà nước sẽ đầu tư phòng lab cho các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thiết bị 6G. Bởi nếu không có phòng lab sẽ khó có thể nghiên cứu được 6G. Ngoài việc hợp tác trong nước với các chuyên gia, các trường, viện nghiên cứu về 6G, Việt Nam sẽ mời các chuyên gia nước ngoài để nghiên cứu về 6G”.
“Cơ hội đến với tất cả các quốc gia, nhưng quốc gia nào nắm bắt được sẽ thành công. Hôm nay, chúng ta đặt những viên gạch này thì 10 năm nữa hy vọng mới thành công. Còn nếu không có ngày hôm nay thì 10 năm nữa chúng ta sẽ không có gì. Nếu chúng ta nghiên cứu và sản xuất được thiết bị 6G, sẽ tạo ra ngành công nghiệp mới cho đất nước”, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết thêm.