Sầu riêng thành trái cây tỷ USD và 'vị đắng' cho doanh nghiệp xuất khẩu

11/09/2023 07:44

Với kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD, năm nay sầu riêng chính thức trở thành “trái cây tỷ USD” của Việt Nam. Ở các vùng trồng, nông dân trúng đậm tiền tỷ do bán được giá cao, song doanh nghiệp xuất khẩu lại chịu thua lỗ.

Nông dân trúng đậm

Những ngày này, ở Tây Nguyên - thủ phủ sầu riêng lớn nhất cả nước - bước vào vụ thu hoạch rộ, giá bán tăng vọt. Tại Đắk Lắk, thời điểm này năm ngoái sầu Thái Dona giá chỉ khoảng 55.000 đồng/kg, năm nay có giá 80.000-90.000 đồng/kg thu mua tại vườn. Các thương lái tranh mua tranh bán.

Ông Lê Văn Toản ở Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết, gia đình trồng 6 sầu riêng cả sầu Dona và sầu Ri6, sản lượng năm nay ước đạt trên 100 tấn. Các thương lái đã đặt cọc bao mua cả vườn và đang cắt sầu.

“Năm nay giá sầu cao hơn năm ngoái rất nhiều. Tôi chốt bán sầu Dona giá 73.000 đồng/kg, Ri6 giá 50.000 đồng/kg mua xô tại vườn. Nhẩm tính vụ này tôi thu hơn 6 tỷ đồng”, ông nói.

Sau hơn 10 năm trồng sầu riêng, đây là năm loại cây này giúp gia đình ông Toản trúng đậm nhất. Trước đó, có năm ông thua lỗ vì giá rẻ; năm có lãi cũng chỉ vài trăm triệu, hoặc trên dưới 1 tỷ đồng.

Nông dân trồng sầu riêng trúng đậm tiền tỷ nhờ bán được giá cao (Ảnh: Tâm An)

Tại huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), ông Nguyễn Trọng Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâm, thông tin, sản lượng sầu riêng toàn xã ước đạt từ 16.000-17.000 tấn. Bình quân, mỗi hộ trồng sầu riêng thu từ 1,2-1,5 tỷ đồng. Đặc biệt, toàn xã có hàng chục hộ nông dân có nguồn thu 4-12 tỷ đồng từ sầu riêng.

Trung tuần tháng 8 khi đi thăm vườn sầu riêng, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, cho biết, công ty có 40ha sầu riêng Monthong cho trái với sản lượng 500 tấn.

Công ty đang bán giá xô cả vườn là 77.000 đồng/kg. Ước tính, năm nay 40ha mang về khoảng 35 tỷ đồng.

Ông Đức tính toán, 21ha cho trái năm thứ hai, chi phí sản xuất khoảng 3,6 tỷ đồng/năm, trong khi khoản thu từ bán sầu riêng là 18 tỷ đồng. Trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận trước thuế của 21ha này đạt 14,4 tỷ đồng. Tính ra, 1 đồng vốn bỏ ra thu về 5 đồng lời.

Doanh nghiệp kêu lỗ

Trái ngược với vụ mùa bội thu của nông dân trồng sầu, ông Lâm Nhật Dân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hoà - thông tin rằng, doanh nghiệp đang chịu thua lỗ khi xuất bán sầu cho khách hàng Trung Quốc.

Ông Lâm cho hay, vụ mùa tại Đắk Lắk năm nay, doanh nghiệp cam kết sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng với khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, trước giá sầu riêng tăng quá cao, một số đối tác, khách hàng của doanh nghiệp có động thái muốn cắt giảm đơn hàng.

Để duy trì cam kết và đảm bảo uy tín với khách hàng, công ty phải chấp nhận bù lỗ sau mỗi chuyến hàng xuất khẩu.

Với tình trạng trên, theo ông Lâm, doanh nghiệp càng làm sẽ càng thua lỗ. Do đó, việc duy trì cam kết với các đối tác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; tương lai, doanh nghiệp khó có thể bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Doanh nghiệp xuất khẩu trong tình trạng mua cao bán thấp, chịu lỗ (Ảnh: IT)

Ông Vũ Đức Côn - Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk - chia sẻ, nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã thương thảo đơn hàng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, phía đầu mối tại Trung Quốc chỉ chấp nhận ký kết hợp đồng mua sầu riêng với giá không vượt quá 90.000-100.000 đồng/kg tuỳ loại.

Đối chiếu mức giá ký kết này với giá bán sầu riêng tại vườn của nông dân, rõ ràng việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu là khó khả thi, ông Côn phân tích.

Trước đó, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu, cũng thừa nhận, giá sầu riêng chốt tại vườn trên 80.000 đồng/kg thì "doanh nghiệp thật sự không dám mua”.

Theo bà Vy, doanh nghiệp trước đây chốt với người dân từ 60.000-65.000 đồng/kg. Ở mức giá này, người trồng sầu riêng đã có lãi cao.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7/2023 xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 1,07 tỷ USD, tăng 809% so với cùng kỳ năm trước; trong đó riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 963 triệu USD, chiếm khoảng 90%.

Không chỉ bùng nổ đơn hàng tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu loại trái cây này sang các thị trường khác cũng tăng mạnh.

Cụ thể, trong năm 2023 xuất khẩu sầu riêng sang Papua New Guinea đạt giá trị 5,478 triệu USD, tăng hơn 2.000% so với năm 2022; sang thị trường Mỹ đạt gần 3,6 triệu USD, Canada đạt gần 2,5 triệu USD, sang Pháp đạt 639.000 USD và Ý 353.000 USD.

Ở các thị trường Mỹ, Canada, Pháp đều ghi nhận mức tăng trưởng 3 con số, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu sang Ý tăng tới 851% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu cộng cả tháng 8, loại quả này thu về khoảng gần 1,3 tỷ USD, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của các loại rau quả. Ước tính, kim ngạch sầu riêng mang về 1,6-1,7 tỷ USD trong năm 2023.

Thu hồi mã số vùng trồng vi phạm

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) vừa yêu cầu cơ quan chức năng ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Văn bản gửi đi nểu rõ, vừa qua, Cục BVTV đã nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về trường hợp phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng KDTV, trên chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Việc không kiểm soát hiệu quả các đối tượng KDTV ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói (CSĐG) dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.

Do đó, Cục BVTV yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thông báo và hướng dẫn các chủ mã số vùng trồng và CSĐG vi phạm tiến hành điều tra nguyên nhân vi phạm và thực hiện biện pháp khắc phục.

Đối với trường hợp nhận thông báo vi phạm lần đầu đề nghị địa phương tạm dừng sử dụng mã số, thông báo cho các chủ mã số thực hiện các biện pháp khắc phục và không thực hiện các hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tạm dừng. Chỉ khôi phục mã số khi các vùng trồng, cơ sở đóng gói áp dụng biện pháp khắc phục đảm bảo yêu cầu của GACC.

Đối với trường hợp mã số đã nhận thông báo vi phạm nhiều lần đề nghị địa phương thông báo tạm dừng và thực hiện thủ tục thu hồi mã số vi phạm; thông báo kịp thời để đảm bảo các chủ mã số vùng trồng và CSĐG này không thực hiện các hoạt động xuất khẩu.

Đồng thời, yêu cầu ác Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng không làm thủ tục KDTV đối với những mã số vùng trồng và CSĐG đã bị tạm dừng hoặc thu hồi.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sầu riêng thành trái cây tỷ USD và 'vị đắng' cho doanh nghiệp xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO