Chiều 12/12, trả lời PV Báo Tiền Phong, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) cho biết đơn vị đang trồng 84 cây me có chiều cao từ 4-5m, đường kính gốc từ khoảng 12cm trên đường Lê Lợi (quận 1). Dự kiến việc trồng cây, lắp rào bảo vệ sẽ hoàn thành trước dịp Tết Dương lịch 2024.
84 cây me được trồng ở đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM). Ảnh: Ngô Tùng |
Theo ghi nhận của Tiền Phong, trên dải phân cách và vỉa hè trục đường Lê Lợi (quận 1) theo hướng từ Nhà hát Thành phố về chợ Bến Thành đã được trồng cây xanh, các công nhân đang tiến hành làm khung sắt để bảo vệ.
Ông Điệp cho biết thêm, kinh phí trồng cây kinh phí trích từ vốn duy tu hạ tầng. Đơn vị chọn me thay vì loại cây này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, lịch sử của đường Lê Lợi.
"Việc phát triển của cây còn tuỳ vào điều kiện thổ nhưỡng nhưng dự tính vài năm nữa các cây me sẽ toả bóng mát cho tuyến đường này", ông Điệp nói.
Đến nay, công tác tái lập đường Lê Lợi đã cơ bản hoàn thành. Ngoài thực hiện trồng lại cây xanh tại đây theo đúng hạ tầng kỹ thuật như trước khi làm tuyến metro số 1 thì phía đơn vị quản lý cũng tiến hành thảm nhựa và kẻ vạch sơn phân làn cho người đi bộ và phương tiện lưu thông.
Do không có mái che và cây xanh, không khí tại tuyến đường Lê Lợi oi bức, ngột ngạt khi trời nắng nóng. Ảnh: Ngô Tùng |
Đường Lê Lợi - từ đoạn chợ Bến Thành đến Nhà hát Thành phố dài 950m, nối liền ba khu vực trung tâm (chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ và Nhà hát TPHCM). Đây là một trong những khu vực có hoạt động kinh doanh sầm uất nhất TPHCM, giá thuê mặt bằng lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng.
Hồi đầu năm 2023, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đề xuất lắp mái che dọc vỉa hè tuyến đường, vươn ra 4m, kết cấu khung sắt lợp tôn để tạo bóng mát, chống nắng, che mưa, hình thành không gian đi bộ. Kinh phí cho toàn bộ công trình này dự kiến 20-30 tỷ đồng, dùng từ nguồn ngân sách địa phương hoặc xã hội hóa.Tuy nhiên, đề xuất này nhanh chóng vấp phải sự phản đối của dư luận.