Thông tin trên được ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam chia sẻ trước ngày diễn ra cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng với nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, đào tạo năm 2023 tổ chức ngày 15/8 tới.
Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh số lượng giáo viên bỏ việc thời gian qua tiếp tục tiếp tăng. Tính riêng năm học 2022 - 2023 hơn 9.000 thầy cô trên cả nước xin ra khỏi ngành.
Cuộc đối thoại gồm 2 phiên: phiên 1 đối thoại với giáo viên phổ thông và phiên 2 đối thoại với giảng viên, nhà khoa học.
Nội dung buổi đối thoại xoay quanh 3 vấn đề chính. Thứ nhất là công tác quản lý và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Thứ hai, những khó khăn, bất cấp trong công tác giảng dạy, lương, phụ cấp cho nhà giáo. Thứ ba, giải pháp của Bộ trưởng và Bộ GD&ĐT về những tồn tại trong thời gian qua.
Đại diện Bộ GD&ĐT xác nhận thông tin trên và cho biết, cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các thầy cô là một trong những sự kiện đánh dấu sự đổi mới của Bộ GD&ĐT lắng nghe và đồng hành cùng giáo viên.
Cuộc đối thoại sẽ được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ GD&ĐT và kết nối với 63 điểm cầu trực tuyến trên cả nước. Đây là diễn đàn để các thầy cô chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng và sáng kiến để ngành giáo dục ngày càng hoàn thiện hơn, trở thành môi trường làm việc lý tưởng vốn có.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến hết năm học 2022 - 2023, cả nước có 1.234.124 giáo viên mầm non và phổ thông (tăng 71.927 người so với năm học 2021 - 2022).
So chỉ tiêu đặt ra, cả nước vẫn còn thiếu 118.253 thầy cô đứng lớp, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022. Trong đó, cấp mầm non tăng 7.887 giáo viên, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207, cấp THPT tăng 2.045 người.
Đặc biệt, làn sóng giáo viên nghỉ việc ở các trường công lập vẫn có chiều hướng tiếp diễn. Trong 19.300 giáo viên nghỉ năm 2022 - 2023 thì có tới 9.295 giáo viên nghỉ việc, còn lại 10.094 thầy cô nghỉ hưu theo chế độ.