Thị trường mua bán vũ khí đang bị ảnh hưởng nhiều từ xung đột Nga-Ukraine. Ảnh minh họa: máy bay ném bom Su-34 của Nga. (Nguồn: Creative Commons) |
Thực tế, thị trường nhập khẩu vũ khí trên thế giới không quá đa dạng khi hầu hết các quốc gia đều lựa chọn trung thành với một trong số các nhà cung cấp lớn như Nga, Trung Quốc hoặc phương Tây.
Tác động của khủng hoảng Ukraine đến nguồn cung vũ khí Nga
Liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine gần đây, phần lớn các cơ sở công nghiệp quốc phòng (DIB) của Nga sẽ tập trung tái trang bị lực lượng trước những tổn thất, đồng nghĩa với việc khả năng xuất khẩu vũ khí của Nga sẽ suy giảm.
Đồng thời, các đối tác nhập khẩu thiết bị quân sự từ Nga cũng có khả năng bị áp đặt các lệnh trừng phạt ngăn họ tiếp cận các thị trường vũ khí phương Tây, hay thậm chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sử dụng đồng USD của các quốc gia đó. Mặt khác, các kỹ sư vũ khí quân sự của Nga cũng có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt cá nhân.
Nhìn chung, Nga đang ở trong tình thế khó khăn khi hai ngành xuất khẩu chủ lực là năng lượng và vũ khí đều bị biến động bởi các biện pháp trừng phạt.
Chính vì vậy, nhiều quốc gia nhập khẩu vũ khí nhận định nguồn cung đến từ Trung Quốc sẽ là lựa chọn an toàn và đáng tin cậy hơn trong tình hình gần đây.
Thêm vào đó, Trung Quốc đã thâm nhập thị trường xuất khẩu của Nga trong một thời gian dài khiến vị thế xuất khẩu của nước này trở nên bấp bênh.
Mặc dù phần lớn các thiết bị của Nga, Mỹ và các nước châu Âu hiện nay đều có từ thời Chiến tranh Lạnh, nhưng các nhà cung cấp phương Tây đã tiến hành nâng cấp đáng kể các thiết bị quân sự này. Trong bối cảnh thị trường đó, Nga vẫn có thể cạnh tranh về chi phí với Mỹ và châu Âu, nhưng lợi thế giá thành đang dần nghiêng về cán cân Trung Quốc.
Gặp đối thủ Trung Quốc
Ngay cả khi đã phát triển mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp, xuất khẩu vũ khí vẫn là lĩnh vực “đóng băng” giữa Bắc Kinh và Moscow.
Những vấn đề này bắt đầu xuất hiện khi hai nước nối lại thương mại trong những năm 90 của thế kỷ trước. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga ngay lập tức xuất khẩu một lượng lớn thiết bị quân sự sang Trung Quốc với tất cả chủng loại.
Tuy nhiên, theo thời gian, người Nga ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc đang sao chép và tự thiết kế lại các thiết bị quân sự của mình, dẫn đến thương mại song phương giảm đáng kể, đặc biệt đối với lĩnh vực công nghệ cao.
Vài năm gần đây, phía Nga cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc được đã bắt kịp mình và chính quyền Moscow không còn lý do để hạn chế tiếp cận công nghệ đối với Bắc Kinh nữa.
Mặt khác, Trung Quốc cũng không dễ dàng trong việc thuyết phục một số quốc gia thay đổi hẳn nguồn cung về phía nước này, ví dụ như đối tác phía bên kia dãy Himalaya là Ấn Độ hay một số quốc gia Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, sự hiện diện của các máy bay không người lái (UAV) Thổ Nhĩ Kỳ trên bầu trời Ukraine cũng khẳng định ưu thế của chính quyền Ankara trên thị trường mà Trung Quốc rất muốn tiếp cận này.
Các quốc gia không dựa vào nguồn cung vũ khí của Trung Quốc vẫn là những cơ hội rộng mở dành cho Nga, tuy nhiên điều này là chưa đủ để bù đắp chi phí phát triển công nghệ quân sự mới.
Một giải pháp cho Moscow hiện nay là bắt tay với Bắc Kinh, hợp tác trong chuỗi cung ứng để sản xuất trang thiết bị cho lực lượng vũ trang của cả hai quốc gia.