01
Trước khi Tâm kết hôn, cô biết rằng Hưng và mẹ anh nương tựa nhau mà sống rất nhiều năm. Anh không muốn nhắc đến cha mình, đó có lẽ là một vết sẹo sâu trong lòng anh.
Vì chuyện này, mối tình của Tâm và Hưng bị bố mẹ cô phản đối. Đặc biệt là mẹ Tâm. Bà lo lắng rằng kiểu gia đình đơn thân như thế này không dễ hòa hợp. Lo lắng rằng người mẹ chồng một mình nuôi con trong nhiều năm có thể gây khó dễ cho Tâm. Hơn nữa, bà cũng lo lắng con rể là kiểu người chỉ biết nghe lời mẹ, không dám bảo vệ vợ.
Dù vậy, Tâm vẫn tin tưởng Hưng bởi cả hai thật lòng yêu nhau.
Lần đầu tiên bước chân vào nhà anh, ấn tượng mà mẹ chồng mang đến cho cô rất tốt. Ngay lúc vừa gặp mặt, bà đã nắm tay Tâm và nói: "Điều hối tiếc nhất cuộc đời mẹ là không có con gái. Từ giờ trở đi, con là con gái của mẹ nhé. Nếu Hưng dám bắt nạt con thì cứ nói với mẹ".
Sau đó, bà nấu một bàn đồ ăn ngon toàn những món Tâm thích. Khi về nhà và kể chuyện này với mẹ đẻ, mẹ Tâm vẫn lăn tăn và nói rằng người mẹ chồng này thật sự quá khéo léo. Bà vẫn thấy âu lo. Nhưng Tâm lại không để ý, vẫn kiên quyết có thể cưới Hưng. Cuối cùng hôn lễ được tổ chức.
Tuy nhiên tháng đầu tiên sau khi kết hôn, Tâm phát hiện ra rằng chồng mình đã gửi gần như toàn bộ lương cho mẹ cất giữ.
Khi Tâm hỏi, Hưng thẳng thắn trả lời: "Anh tiêu xài không có kế hoạch nên 5 năm đi làm, mẹ vẫn cầm tiền hộ anh. Bây giờ cũng vậy, anh nghĩ đó là cách tiết kiệm tốt nhất. Tiền của em thì để chi tiêu mỗi ngày nhé".
Tâm nghe mà cảm thấy không hài lòng nhưng nghĩ mới kết hôn, chuyện tiền nong lại lằng nhằng, đưa ra nói không hay.
02
Tình trạng tiền bạc gia đình Tâm vẫn duy trì như thế suốt 2 năm nay. Đôi khi cô cảm thấy áp lực từ người mẹ chồng thích kiểm soát đủ thứ nhưng cô chưa muốn nói gì vì sợ mất hòa khí trong nhà. Tiền lương của Hưng gửi hết cho mẹ chồng để tiết kiệm.
Cô cũng phát hiện ra tất cả mọi chuyện chỉ cần nói với chồng, mẹ chồng đã sớm biết. Dường như Hưng không bao giờ giấu giếm điều gì kể cả chuyện riêng giữa hai vợ chồng. Nhiều lúc, Tâm có cảm tưởng một mình một phe bởi chỉ cần lúc nào ý kiến của cô không giống mẹ chồng thì Hưng sẽ ủng hộ mẹ hoàn toàn. Càng như thế, Tâm càng nghĩ mẹ chồng ghê gớm.
Một ngày, mẹ Tâm đi khám thì phát hiện có khối u và phải phẫu thuật. Phận con gái, Tâm cũng muốn hỗ trợ bố mẹ một chút trong hành trình khám và chữa bệnh.
Cô bàn với chồng để rút một khoản tiết kiệm từ mẹ chồng biếu bố mẹ đẻ. Dù sao thì cũng 2 năm hôn nhân, vợ chồng cô chỉ tiêu xài đúng tiền cô kiếm được, khoản tiền chồng làm được vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên nghe đến chuyện lấy tiền từ mẹ, Hưng sầm mặt xuống và không đồng ý. Anh cho rằng mẹ mình sẽ không bao giờ chấp thuận. Nếu như hai vợ chồng mua nhà mua xe thì mẹ sẽ đưa, chứ để giúp đỡ nhà vợ, mẹ anh chắc chắn sẽ từ chối.
Nghe như vậy, Tâm điên tiết phản bác: "Chúng ta cưới nhau, 2 năm qua tiêu xài chỉ bằng tiền tôi còn tiền anh để tiết kiệm. Ban đầu tôi sợ xích mích nên không nói, có cái lý nào con cái giờ lớn 30 tuổi đầu vẫn mẹ cầm tiền? Tôi bảo anh lấy lại tiền từ mẹ là tiền anh làm ra, tài sản chung của vợ chồng mình chứ không phải đi xin mẹ để anh lo sợ đến thế. Mẹ anh từ chối hay chính anh trọng bên nội khinh bên ngoại?
Nếu như hôm nay anh không giúp đỡ, sau này vấn đề của mẹ tôi cũng sẽ không quan tâm. Chúng ta đến với nhau trên nền tảng công bằng, anh đừng để cách ứng xử của mình trở nên khó coi như thế. Nếu anh thích, từ giờ trở đi chúng ta chia đôi nhau ra sinh hoạt. Không chịu nổi nữa thì ly hôn và anh nên nhớ, kể cả sau này mẹ anh ốm đau thì cũng đừng bao giờ nghĩ đến cô con dâu này nữa".
Sự cứng rắn của Tâm khiến Hưng chột dạ và có vẻ hối hận. Cô sẽ không bao giờ đối diện trực diện với mẹ chồng nhưng cần phải một lần nói rõ để Hưng hiểu và buộc anh đứng ra xử lý. Nếu không, Tâm sẽ hạ quyết tâm chấm dứt. Sau cuộc nói chuyện hôm đó, không biết Hưng nói thế nào nhưng trong bữa cơm, mẹ chồng đã nhắc đến chuyện đến thăm mẹ cô. Đồng thời, bà cũng trả lại tấm thẻ chứa toàn bộ tiền lương của Hưng với lý do để vợ chồng con trai toàn quyền chi tiêu.
Bà cũng nói với Tâm: "Hưng đã nói chuyện với mẹ rồi. Mẹ mừng khi con biết quan tâm và yêu thương, giúp đỡ bố mẹ mình. Nếu như con không chăm lo, không để ý đến bố mẹ đẻ thì đó mới là sự lo ngại lớn của mẹ đấy chứ".
03
Trong hôn nhân, có những vấn đề thật sự nên bàn bạc trước. Tiền bạc cũng là một trong số đó. Sự nhì nhằng và phức tạp xoay quanh chuyện kinh tế có thể gây đau đầu hơn tất cả mọi rắc rối. Sự im lặng, chấp nhận của những bà vợ trong chuyện tiền nong cũng có thể gây nên các hậu quả đáng tiếc về sau.
Vợ chồng kết hôn là xác định bản thân đứng trên một nền tảng công bằng, cả hai cùng có trách nhiệm với đối phương và gia đình hai bên. Trách nhiệm ở đây không chỉ riêng về mặt tình cảm mà còn ở kinh tế nữa. Kinh tế liên quan mật thiết đến tiền bạc, bởi vậy, chuyện này thật sự cần phải chuyện trò và bàn thật kỹ giữa hai vợ chồng. Nếu không, nó có thể trở thành vết rạn nứt đầu tiên cho một cuộc hôn nhân tan vỡ.
Đôi khi, chúng ta phải một lần lên tiếng để nói rõ quan điểm cũng như ý kiến của bản thân mình. Sự im lặng đồng nghĩa với thỏa hiệp. Trong câu chuyện trên, ban đầu Tâm đã thỏa hiệp, nhận sự bất lợi về mình trong sự phân chia về vai trò kinh tế trong nhà. Tuy nhiên, sau đó sự phản kháng của cô đã mang đến kết quả.
Nếu không có một lần vùng lên như thế, có lẽ cục diện bế tắc vẫn còn tồn tại và đương nhiên, Tâm cũng không biết được mẹ chồng chẳng phải là người cố chấp. Chỉ là từ trước đến nay, cô chưa một lần lên tiếng yêu cầu chồng phải nói rõ với mẹ mà thôi.
Ý kiến của Tâm như một sự đánh mạnh vào vấn đề trong hôn nhân. Nếu như cô bỏ bê, không quan tâm đến mẹ đẻ thì đó mới là một sự lo ngại lớn dành cho mẹ chồng.
Thế mới nói, một lần giãi bày và nói rõ tất cả sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống hôn nhân.
Theo PNVN