Chuyên viên truyền thông phim Châu Quang Phước cho biết một bộ phim nhận nhiều ý kiến trái chiều là thường tình, cần và nên có. Nó cho thấy sự tiếp nhận đa dạng từ khán giả đại chúng, với nhiều tầng văn hóa lẫn vốn sống trải nghiệm khác nhau, ắt sẽ có những góc nhìn quan điểm khác biệt; kể cả khác biệt với chính những người làm phim, nếu có.
Diễn viên Tuấn Trần trong vai Út Lục Lâm phim "Đất rừng phương Nam"
"Vấn đề là, đối với những bình luận từ những người có vị trí trong xã hội, ít nhiều tác động với số đông, thiết nghĩ cũng cần có chuyên môn nhất định về chuyên ngành nghệ thuật nào mà mình đã chạm đến, luận bình.
Việc luận bình sẽ có nguy cơ khiên cưỡng hoặc ngộ nhận khi phê bình một bức tranh hay một bộ phim, nếu thiếu sự quan tâm đủ đầy hoặc không có kiến thức về chuyên ngành hẹp liên quan. Bởi không phải khi người ta giỏi hoặc có tiếng về một lĩnh vực nào đó thì người ta cũng mặc nhiên sẽ am hiểu thấu đáo về bất kỳ lĩnh vực nào khác" - ông Châu Quang Phước nhận định.
Ông Phước cho rằng trong bối cảnh chung của ngành điện ảnh Việt đang khó khăn nhiều phía hiện nay, cần sự ủng hộ khuyến khích phim Việt ngay trên "sân nhà", hơn là khắt khe vùi dập.
Tiến Luật đóng vai ông Tiều
Hiện tại, theo ông Phước, đa số phim Việt cũng còn mãi loay hoay ở điểm hòa vốn ngay tại thị trường nội địa. Với dòng phim liên quan lịch sử Việt, dù ngoại sử hay chính sử, nhà làm phim luôn cần có ngân sách lớn để thực hiện. Nếu người làm nghề cứ mãi bị chê dẫn đến doanh thu phim dưới mức hòa vốn, thì e rằng tương lai gần sẽ khó có phim Việt nào thuộc dòng phim lịch sử dám làm.
Nhân vật An và Xinh trong "Đất rừng Phương Nam"
Biên kịch Kim Ngọc cho biết: Phim điện ảnh như "Đất rừng phương Nam" gây tranh cãi là điều không lạ do mỗi người có cảm nhận khác nhau, góc nhìn theo quan điểm riêng khác nhau dẫn đến khen và chê cũng khác. Ngay từ khi những hình ảnh áp-phích đầu tiên của phim được công bố, biên kịch Kim Ngọc nhìn thấy hàng nút áo các nhân vật là đã có dự cảm tác phẩm sẽ gây bàn tán ở vấn đề này. Đây không phải phim tài liệu lịch sử, chỉ lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học và hư cấu để tạo câu chuyện hấp dẫn.
Tuy nhiên, với những khán giả đã quá yêu thích phiên bản truyền hình năm 1997, những người không thích Trấn Thành thì sự so sánh hai phiên bản, sự soi mói từ cái nút áo cho đến những vấn đề lớn hơn dẫn đến lùm xùm không phải chuyện lạ.
"Tôi nghĩ, nếu ê-kíp phim tinh tế, khéo léo để giảm bớt những hình ảnh áp-phích, video ca nhạc (MV) nhìn vào là thấy nhiều ý kiến khác nhau, thì đã không đến mức tranh cãi dữ dội hiện nay" - biên kịch Kim Ngọc nói.
Phim "Đất rừng phương Nam" lấy cảm hứng từ tác phẩm "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi và phiên bản truyền hình "Đất phương Nam" từng khiến khán giả màn ảnh nhỏ yêu thích khi phát sóng năm 1997.
Phim kể lại hành trình của bé An (Hạo Khang đóng) bơ vơ đi tìm cha sau khi mất mẹ. An gặp được Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) và sau đó gặp được cha con ông Tiều (Tiến Luật đóng), bé Xinh (Bảo Ngọc đóng) cùng nhiều người khác.
Trấn Thành vào vai Bác Ba Phi trong phim
Tất cả đều bảo bọc, giúp đỡ An. Song song hành trình của An là phong trào yêu nước của nghĩa quân cùng các thành viên hội nhóm kháng Pháp khác…