Sau Dung Quất, tỷ phú Trần Đình Long hé lộ chiến lược mới

13/03/2024 07:45

Dự án Dung Quất 2 có mức đầu tư gần 3,5 tỷ USD mới đi được nửa chặng đường, tỷ phú Trần Đình Long tiếp tục tham vọng mới, đầu tư gần 5 tỷ USD vào các siêu dự án của tỉnh Phú Yên.

Theo thông tin từ CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG), tính đến tháng 12/2023, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đã hoàn thành 40% tiến độ, đúng theo kế hoạch đề ra.

Dung Quất 2 có quy mô trên 280ha, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) và 1 triệu tấn thép đặc biệt. Tổng vốn đầu tư của dự án là 85.000 tỷ đồng (gần 3,5 tỷ USD). Dự kiến dự án này sẽ có sản phẩm thép cuộn cán nóng đầu tiên từ quý I/2025.

Dự án Dung Quất 2 là một tham vọng lớn của tỷ phú Trần Đình Long, được người đứng đầu Hòa Phát ví như “quả đấm thép” của tập đoàn.

Tuy tiến độ “quả đấm thép” mới đi nửa chặng đường, ngày 3/3, phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Phú Yên, ông Trần Đình Long cho biết sẽ đầu tư 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên, tổng quy mô trên 120.000 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD).

Đó là dự án Cảng Bãi Gốc (dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng); dự án Đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Hòa Tâm (khoảng 13.300 tỷ đồng); dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại KCN Hòa Tâm (khoảng 86.000 tỷ đồng).

Đây là một chiến lược mới của tỷ phú Trần Đình Long, khi tiếp tục đổ thêm hàng tỷ USD vào các siêu dự án. Điều này cho thấy tham vọng của ông Long chưa dừng lại sau đại dự án Dung Quất 2.

Theo nội dung họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Hòa Phát dự kiến sẽ có năm thứ hai liên tiếp không trả cổ tức bằng tiền. Thay vào đó, HĐQT công ty đề xuất phương án thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 10%. Hòa Phát sẽ phát hành hơn 581 triệu cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ lên mức 63.962 tỷ đồng.

Năm 2024, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long đặt ra mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 47% so với thực hiện năm 2023.

Kết phiên giao dịch ngày 12/3, cổ phiếu HPG đạt 30.200 đồng/cp.

Tin doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* XMP: CTCP Thủy điện Xuân Minh công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, đặt chỉ tiêu tăng trưởng mạnh về lợi nhuận sau thuế lên gần 8 tỷ đồng, tương đương tăng 61%.

* CTS: CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam vừa công bố dự thảo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024, mục tiêu lãi trước thuế năm hơn 280 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện năm trước và tỷ lệ cổ tức là 10%.

* SFI: CTCP Đại lý Vận tải SAFI sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên dự kiến tổ chức ngày 22/3 về việc hủy toàn bộ hơn 1,73 triệu cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ và phát hành cổ phiếu ESOP tỷ lệ tối đa 5%.

* SBT: Bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa, thông báo đăng ký chuyển nhượng 15 triệu cổ phiếu. Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 14/3-12/4. Bên mua dự kiến là những đơn vị thuộc cùng hệ sinh thái của công ty.

* HJS: CTCP Thủy điện Nậm Mu dự kiến chi gần 21 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt 1/2023, tỷ lệ 10%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 27/3 và dự kiến thanh toán vào 10/4.

* SMC: Bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc khối tài chính – kế toán CTCP Đầu tư Thương mại SMC đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 15/3-13/4.

* REE: Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, CTCP Cơ điện Lạnh sẽ trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 25%. Cụ thể, 10% bằng tiền mặt, thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 4 và 15% bằng cổ phiếu, thời gian thực hiện trong năm 2024.

* PAT: CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam đặt kế hoạch 2024 với tổng doanh thu 1.678,54 tỷ đồng, giảm 1,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 230 tỷ đồng, giảm 19,5% so với thực hiện trong năm 2023 và cổ tức dự kiến với tỷ lệ 70%.

VN-Index

Kết phiên giao dịch ngày 12/3, VN-Index tăng 9,51 điểm (+0,77%) lên 1.245 điểm, HNX-Index tăng 0,19 điểm (+0,08%) lên 234,03 điểm, UpCOM-Index tăng 0,11 điểm (+0,12%), lên 90,77 điểm.

Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ còn giằng co với các nhịp tăng, giảm đan xen trong phiên 13/3.

Thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn, nên dòng tiền có thể sẽ còn phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Nhóm vốn hóa lớn vẫn còn có thể đối mặt với xu hướng giảm ngắn hạn. Dòng tiền có thể sẽ tiếp tục gia tăng vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

Thanh khoản giảm tại nhịp hồi cho thấy, các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Nhịp điều chỉnh có thể vẫn còn diễn ra trong phiên tới.

Theo Chứng khoán SHS, phiên hồi phục ngày 12/3 không làm thay đổi nhận định động lực tăng ngắn hạn của thị trường đã suy yếu.

Chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục đối diện ngưỡng cản trung hạn 1.250 điểm. Trong trường hợp lấy lại được mốc này, SHS cũng không đánh giá cao khả năng chỉ số hình thành xu hướng tăng mạnh, mà nghiêng về kịch bản giao dịch trong vùng tích lũy trung hạn 1.150-1.250 điểm

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/sau-dung-quat-ty-phu-tran-dinh-long-he-lo-tham-vong-moi-2258691.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/sau-dung-quat-ty-phu-tran-dinh-long-he-lo-tham-vong-moi-2258691.html
Bài liên quan
  • Cổ phiếu vận tải khởi sắc, VN-Index hồi phục
    Phiên giao dịch ngày 20/12, thị trường hồi phục ngay từ khi mở cửa, nhưng nhóm cổ phiếu bluechip giao dịch phân hóa và dòng tiền nhỏ giọt khiến chỉ số chung chỉ giằng co trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu. Tâm điểm phiên này là nhóm cổ phiếu vận tải đua nhau khởi sắc, trong đó các mã: VOS, VTO, MVN tăng trần. Chốt phiên, VN-Index tăng 2,83 điểm lên mức 1.257,50 điểm.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sau Dung Quất, tỷ phú Trần Đình Long hé lộ chiến lược mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO