Sau cú sốc chứng khoán, đại dịch, làm gì để chữa mất ngủ?

07/09/2022 08:33

Lạm dụng thuốc ngủ không chỉ khiến tình trạng mất ngủ đi vào mãn tính mà người bệnh còn đối diện với các tác dụng phụ của loại thuốc này.

Anh Nguyễn Đức Phương (39 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) đến bệnh viện khám vì gần đây anh thấy hoa mắt, chóng mặt. Khi bác sĩ hỏi tiền sử, anh Phương kể anh bị mất ngủ 2 năm nay. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, việc kinh doanh về du lịch của anh bị ảnh hưởng nặng. Suốt hai năm khó khăn, công ty gần như phá sản, có lúc anh phải chuyển sang bán hàng online các sản phẩm gia dụng. Công nợ và công việc không được như ý khiến anh stress, phải điều trị trầm cảm 4 tháng. Tình trạng cải thiện dần, anh bắt đầu ngủ được.

Nhưng đến đầu năm 2022, cơn sóng chứng khoán như một ''đòn chí mạng'' nữa giáng xuống khiến anh Phương mất ngủ liên miên. Anh đã đi khám bác sĩ nhưng lần này tình trạng khó cải thiện. Sau đó, anh tự uống thuốc ngủ, cứ đêm khó ngủ anh lại uống 1 – 2 viên. Tác dụng phụ của thuốc ngủ là những ngày mệt mỏi. Dù ngủ được nhưng sáng dậy không sảng khoái như bình thường. Gần đây, anh còn thấy hiện tượng hoa mắt, đánh trống ngực.

Bác sĩ Hoàng Châu Bảo Đính – Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM cho hay, dịch Covid-19 xảy ra không chỉ có những ảnh hưởng về kinh tế, tình trạng sức khỏe tâm thần cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số lượng người phải đến khám vì những bệnh lý tinh thần như lo âu, mất ngủ, trầm cảm cũng tăng.

Theo BS Đính, các loại thuốc ngủ đều có tác dụng ức chế thần kinh trung ương. Lạm dụng thuốc ngủ thì người bệnh vẫn luôn có cảm giác buồn ngủ vào ban ngày, không còn tỉnh táo, khó tập trung, ảnh hưởng tới cả kỹ năng vận động.

Sau cú sốc chứng khoán, đại dịch, làm gì để chữa mất ngủ?
Người bị mất ngủ không nên tự ý uống thuốc ngủ.

Ngoài ra, việc dùng thuốc ngủ không đúng chỉ định của bác sĩ có thể gây ra nhiều hậu quả như: Hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, hôn mê sâu, giảm huyết áp, gây co giật, da xanh tím, tiêu chảy, nhịp tim không đều.

Đặc biệt, lạm dụng thuốc an thần có thể khiến nguy cơ tai biến mạch máu não tăng cao so với người không lệ thuộc thuốc. Tỷ lệ tử vong ở người nhồi máu cơ tim dùng thuốc an thần trước đó cũng cao hơn người không hoặc ít khi dùng thuốc ngủ.

Còn theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ -  Bệnh viện đại học Y Dược TP.HCM, hiện tượng mất ngủ có thể xảy ra với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi trong mọi hoàn cảnh khác nhau. Mất ngủ vài hôm không đáng lo nhưng mất ngủ lâu dài lại rất nguy hiểm.

Bệnh mất ngủ có nhiều nguy cơ trở thành mãn tính khi đi kèm với các trạng thái tâm lý khác như: Sang chấn tâm lý (stress) kéo dài do công việc, học hành căng thẳng, xung đột trong gia đình, tức giận, lo âu, trầm cảm, nghiện rượu, tâm thần, tuổi tác.

Khi bị mất ngủ, việc dùng thuốc ngủ có thể giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ nhưng nếu lạm dụng sẽ mang đến rất nhiều tác hại, gây ảnh hưởng đến dạ dày, ức chế hệ thần kinh, về lâu dài có thể là nguyên nhân khiến cơ thể rơi vào giấc ngủ chập chờn, mộng mị.

Bác sĩ Vũ cho rằng, thay vì lạm dụng thuốc ngủ, bạn nên sử dụng một vài mẹo có thể ngủ tốt hơn như hạn chế xem tivi, sử dụng điện thoại, chơi game…. (tiếp xúc với màn hình điện tử) trước khi đi ngủ; Tránh ngủ nhiều vào ban ngày; Không nhìn đồng hồ ban đêm nếu khó ngủ; Gối cao vừa phải, êm ái dễ chịu, giường nệm sạch sẽ, nơi ngủ thoáng mát, yên tĩnh, không có mùi; Tránh chất kích thích; Đi ngủ đúng giờ; Không ăn quá no khi sát giờ đi ngủ.

Nếu mất ngủ kéo dài ít nhất 1 tháng, đã áp dụng tất cả các cách trên mà bạn vẫn không thể ngủ được thì hãy tìm đến bác sĩ. Bởi đây có thể là một triệu chứng của một căn bệnh nào đó, điển hình nhất là bệnh trầm cảm, nó là nguyên nhân hàng đầu gây mất ngủ; hoặc cũng có thể mắc bệnh như trào ngược axit, hen suyễn, viêm khớp, hay phản ứng phụ của một số loại thuốc. Chỉ có trị tận gốc nguyên nhân mới cho bạn được một giấc ngủ như ý.

Khánh Chi 

Bài liên quan
  • Những cách chữa mất ngủ mà rất nhiều F0 mắc phải
    Đại dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều người bị mất ngủ (bao gồm cả người không mắc bệnh và F0 đang điều trị). Mất ngủ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tình trạng này kéo dài sẽ gây nhiều hệ lụy và cần có những phương pháp xử lý. Báo Lao Động trích đăng bài viết của Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam trong việc hỗ trợ phòng và điều trị mất ngủ từ y học cổ truyền.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Sau cú sốc chứng khoán, đại dịch, làm gì để chữa mất ngủ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO