Khi đi khám tại Bệnh viện K, bác sĩ chẩn đoán ông Nguyễn Công H. ung thư hạ họng giai đoạn cuối, di căn thực quản, phải thực hiện ca phẫu thuật lấy khối u và tái tạo đường ăn để có thể ăn uống bình thường sau điều trị ung thư.
Anh Nguyễn Công Q. 50 tuổi, con trai bệnh nhân cho biết, chỉ trong 2 tháng, bố bị sút đến 5kg. Lúc đầu chỉ ho ít, nhưng sau càng ho nhiều, rồi khản tiếng, khó khăn trong giao tiếp, ăn uống. Tuy nhiên, dịch bệnh triền miên nên gia đình trì hoãn đi khám. Khi lên Bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ đã chuyển lên Bệnh viện K vì nghi ngờ ung thư giai đoạn muộn.
Tại Bệnh viện K, các bác sĩ xác định bệnh nhân u ác hạ họng di căn thực quản giai đoạn cuối.
"Cụ H.có u lớn vùng xoang lê phải, lan xuống vùng miệng thực quản, kết quả giải phẫu bệnh ung thư tế bào vẩy(SCC), giai đoạn 4 , T3N1M0. Vì khối u ngày càng phát triển, nếu không đưa ra quyết định sớm để điều trị thì sẽ khiến chất lượng sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sức khỏe chắc chắn sẽ diễn biến xấu hơn", TS.BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, Trưởng khoa Ngoại bụng 1 cho biết.
TS Bình cảnh báo, ung thư hạ họng giai đoạn sớm thường chưa biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Nhưng khi xuất hiện các dấu hiệu sau, đặc biệt là tình trạng sút cân nhanh không rõ nguyên nhân, cần phải đi khám sớm.
- Rối loạn nuốt: khó nuốt, nuốt vướng ngày càng tăng dần, đầu tiên là một bên sau lan sang 2 bên họng. Đây là triệu chứng phổ biến nhất ở bệnh nhân ung thư hạ họng, do khối u to gây ra.
- Đau họng kéo dài, tăng dần, có thể kèm theo đau tai.
- Nổi hạch vùng cổ: hạch rắn, chắc, di động hạn chế, không đau.
- Giai đoạn muộn, bệnh nhân có biểu hiện sút cân, khó thở và khàn tiếng do khối u xâm lấn vào thanh quản, dây thần kinh.
Với bệnh nhân này, trên nền bệnh nhân tuổi cao, ung thư miệng thực quản và 1/3 trên thực quản, đã tiến triển lan rộng, các bác sĩ quyết định phẫu thuật lấy khối u, nạo vét hạch và tạo một đường ăn cho bệnh nhân, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống sau điều trị.
Tú Anh